PC
Game thủ nghĩ gì khi sắp phải đóng thuế

Người chơi sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để được hưởng cùng một lượng giá trị lợi ích như hiện nay, nếu luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng cho game online.

Vào sáng ngày 25/9, trong phiên họp thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, qua thẩm tra, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Kết thúc phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Nhưng, nếu điều này trở thành sự thật sẽ có những tác động nhất định liên quan đến với đời sống tinh thần cũng như vật chất của cộng đồng game thủ trong tương lai.

Đầu tiên, Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, tức là do các cơ sở kinh doanh sản xuất sản phẩm nộp nhưng người tiêu dùng mới chính là đối tượng chịu thuế, vì thuế sẽ được cộng vào giá bán sản phẩm.

Việc lựa chọn sản phẩm để đánh thuế có 3 lý do chính, game thủ có thể hiểu đơn giản rằng:

  • Thứ nhất, nhà nước muốn thực hiện chức năng hướng dẫn sản xuất, cụ thể là định hướng lại việc phát triển và phát hành game online hiện nay, cũng như điều tiết tiêu dùng xã hội đối với mặt hàng này, hạn chế việc chơi game trong xã hội.
  • Thứ hai, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào game online có vai trò hạn chế sản xuất, cung ứng dịch vụ game online trong xã hội. Và như vậy, các nhà phát triển cũng như các đơn vị phát hành game trong nước sẽ bị hạn chế năng lực cạnh tranh lẫn nhau, cũng như cạnh tranh với các công ty game quốc tế, chứ chưa nói tới các công ty làm game lậu.
  • Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách nhà nước. Nói một cách khác, theo quan điểm này, việc bỏ tiền vào game là không hợp lý trong điều kiện xã hội chưa thực sự phát triển. Do đó nếu thực sự muốn chơi thì game thủ phải tốn nhiều tiền hơn, giống như việc mua các xa xỉ phẩm như thuốc lá, ôtô,...

Tóm lại, nói một cách chắc chắn, dù muốn hay không, game thủ sẽ là những người phải chịu trách nhiệm với số tiền nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này nếu nghị định được thực thi. Và việc thu thuế, sẽ do chính các NPH, những người đang cung ứng sản phẩm dịch vụ gián tiếp thực hiện.

Tất nhiên, không thể trực tiếp lấy tiền từ túi game thủ, do đó trong trường hợp xấu nhất, các NPH sẽ phải áp dụng những biện pháp bổ sung nhằm hạn chế thiệt hại tài chính cho mình. Một số phương pháp có thể được sử dụng như giảm giá trị thẻ nạp khiến người dùng phải tốn nhiều tiền hơn hiện tại nếu muốn mua được cùng một món đồ ingame như cũ, hay tăng cường các chiêu trò hút máu, khuyến khích người chơi tham gia sự kiện đua Top tranh tài.

Bên cạnh đó, mục tiêu thu hồi vốn của các NPH nhỏ sẽ được ưu tiên lên hàng đầu, kéo theo việc các chiêu trò câu kéo, shock - sex - sến súa sẽ được thường xuyên sử dụng nhằm bằng mọi cách thu hút người chơi cũng như sự chú ý của cộng đồng. Tất nhiên, kéo theo đó là những hệ quả xã hội không mong muốn khi phần lớn các phương thức tiếp cận sẽ tới với lớp game thủ nhí chưa thực sự đủ tuổi và sự trưởng thành để nhìn nhận, đánh giá đúng mức.

Trên thực tế, việc quản lý game online cũng như cấp phép cho các sản phẩm game hiện nay trên thị trường vẫn chưa thực sự đi vào nề nếp. Trong khi các NPH Việt vẫn còn phải loay hoay và chờ đợi khá lâu trong việc xin giấy phép phát hành thì các công ty game lậu (chủ yếu là từ Trung Quốc) vẫn tìm được cách len lỏi vào thị trường, bắt tay hợp tác với một số đơn vị nhỏ lẻ để mời chào sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Do đó, có thể dễ dàng nhìn thấy ngay rằng các cơ quan quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu loại thuế tiêu thụ đặc biệt này với các doanh nghiệp Việt Nam, chứ chưa nói tới các công ty nước ngoài. Mặc dù một số NPH tên tuổi sẽ khó lọt lưới, vẫn còn đó hàng chục công ty phát hành game lớn nhỏ hiện nay sẽ sử dụng nhiều chiêu trò để lách luật cũng như tránh né.

Nhìn ở khía cạnh xã hội, có thể dự đoán rằng dự thảo luật áp thuế này sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dư luận xã hội, đặc biệt là các ông bố bà mẹ có con ham mê game. Nhưng, nếu xem xét lại, các ông bố bà mẹ lại quên mất rằng vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ con cái họ có được quản lý tốt hơn không, có tìm được thú vui nào khác để thay thế việc chơi điện tử hay không, chứ không phải việc chúng sẽ tốn nhiều tiền hơn để chơi game so với trước kia. Trên thực tế, dòng tiền đổ vào túi các NPH hiện nay, phần lớn chảy ra từ túi của các ông bố bà mẹ, những người quản lý của game thủ. Nếu cần nhiều tiền để chơi game hơn, các game thủ nhí đôi khi sẽ tìm mọi cách để xoay sở được, khiến cho các vấn nạn xã hội sẽ ngày một thêm trầm trọng.

Không thể phủ nhận rằng game online đang dần bộc lộ những mặt xấu của nó, ảnh hưởng chung tới cộng đồng cũng như toàn xã hội. Việc quản lý, giám sát một cách chặt chẽ là công việc cần xúc tiến một cách nghiêm túc hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online "cần có đánh giá thêm, sau đó mới nên quy định vào luật", giống như quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề cập tới, cũng trong phiên họp sáng nay.

Thể loại: MMORPG
NPH: Dzogame
Hệ máy: PC
Ngày phát hành: 23/10/2006
+

DZO CHƠI

TOP GAME

Cùng đến với những hình ảnh Lala Croft của Tomb Raider dưới nét vẽ của AI. Một cô nàng xinh đẹp, nóng bỏng nhưng cũng rắn rỏi và mạnh mẽ.

Những cô nàng nóng bỏng Boa Hancock, Nico Robin, Nami, Yamato hay Perona được AI vẽ lại dưới hình thức Cosplay cực kỳ chuẩn chỉnh.

Cùng thưởng thức những hình ảnh cosplay Xiangling trong Genshin Impact siêu dễ thương của người dùng Weibo "阿包也是兔娘"