Cùng tìm hiểu vì sao các game về hải chiến không nhiều và đặc sắc như các game về đề tài chiến tranh khác.
Hải chiến là một phần không thể tách rời khi nhắc đến chiến tranh tổng lực, bên cạnh không chiến và chiến tranh đường bộ. Trải qua hơn 3.000 năm lịch sử, từ phương Tây đến phương Đông, nhân loại đã chứng kiến nhiều trận hải chiến nổi tiếng như trận Chesapeake, trận Actium, trận Xích Bích, hải chiến Tsushima, trận chiến biển Philippines. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hải chiến cũng được thể hiện lại trong các nền văn hóa trên toàn thế giới.
Game về hải chiến xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1984 với Beach Head dành cho hệ máy Apple II, ZX Spectrum và Amstrad CPC. Từ đó đến nay, số lượng game khai thác đề tài này đã lên đến hơn 100, trong đó có rất nhiều game thành công như War thunders, World of Warships hay mới đây nhất là Assassin’s Creed IV: Black Flag. Tuy nhiên so với các game khai thác chiến tranh ở các đề tài khác, thủy chiến vẫn không phải là một mảng lớn, thậm chí còn bị mờ nhạt, lí do nào đã dẫn đến điều này?
Thiếu sót về mức độ chi tiết
Vấn đề đầu tiên mà các game lấy đề tài hải chiến hiện nay phải đối mặt là thiếu sót về mức độ chi tiết, những yếu tố giúp game hải chiến trở nên hấp dẫn hơn và chân thực hơn. Điều này kéo theo một loạt vấn đề khác, trong đó có đối tượng game thủ mà các game này hướng đến.
Đầu tiên, chúng ta chỉ xét đơn giản ở mức độ chi tiết bề mặt. Hẳn game thủ vẫn còn nhớ nhiệm vụ thú vị nhất trong Assassin's Creed III và Assassin’s Creed IV: Black Flag có liên quan đến những chiếc tàu thủy. Và không chỉ là thủy chiến, đó còn là những trải nghiệm mới về tàu biển, qua những lần chạy dọc cột buồm, hay tự mình khai hỏa một chùm đạn đại bác. Rõ ràng, Assassin’s Creed đã đem đến cho người chơi cái nhìn khái quát và đơn giản hóa về hải chiến của thế kỷ 18. Sở dĩ nói như vậy là vì đối với những người chưa từng biết đến mảng này, phần hải chiến của game khá hấp dẫn nhưng đối với những ai có kiến thức về ngành này, hoặc đơn giản hơn, yêu thích hải chiến qua các bộ phim kinh điển như Master and Commander, muốn tìm kiếm những trải nghiệm thực tế, những pha giao tranh ác liệt giữa tàu với tàu thì game không thể nào giúp họ thỏa mãn được.
Đối với các trải nghiệm lịch sử, người chơi có thể thử các bản Empire Total War hoặc Napoleon Total War. Phong cách chiến thuật cho hải chiến của cả hai đều khá hoàn chỉnh, nhưng không giống như phần lớn các trận đánh trong game, hải chiến của hai phần này lại khá nhạt nhòa, không cho họ có cảm giác như đang hòa mình vào không khí chiến tranh thời cận đại hay được xem một bộ phim cả. Đó là lí do vì sao Empire Total War và Napoleon đôi lúc vẫn còn bị nhiều người "chê".
Kén chọn người chơi
Đối với những game mô phỏng và chiến thuật thuộc hàng hardcore như Dangerous Waters, Silent Hunter và Ironclads, chúng được đánh giá là rất chi tiết, đem lại cảm hứng về lịch sử. Tuy nhiên, quá khó là những gì mà người ta nhắc đến các game này. Không có hướng dẫn cụ thể cho người mới chơi và chỉ dành cho những ai đã quen với thể loại này, đó là lí do vì sao các game kể trên thường bị đánh giá chung là kén người chơi.
Và điều này đã dẫn đến vấn đề thứ hai, đó là đối tượng mà các game này hướng đến.
Cái khó của game hải chiến là việc có khá nhiều kiến thức mới, lạ lẫm trong khi nhiều game thủ vẫn nghĩ rằng game được làm ra là để phục vụ cho đại đa số khách hàng chứ không phải một bộ phận riêng biệt. Bởi điều ấy có vẻ không phù hợp lắm với chiến lược kinh doanh của nhiều nhà phát hành hiện nay.
Cũng vì lí do này mới có chuyện có người mua DCS: A-10C Warthog về để rồi phải phàn nàn là game "quá khó", rằng game cần phải được điều chỉnh để những người mới tập chơi có thể làm quen dần dần (Họ quên mất rằng game này làm ra với mục đích mô phỏng thực tế để dành cho những ai muốn học lái máy bay hoặc muốn có sự chính xác hoàn toàn, do đó, khó là chuyện bình thường).
Thực tế quá đôi khi lại không như mong đợi
Nhắc đến hải chiến trong chiến tranh hiện đại, có lẽ nó sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên vì không thú vị như họ vẫn tưởng. Nếu chỉ là mô phỏng tàu chiến bình thường, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chúng ta có Air Traffic Control Simulator. Nhưng nếu nói đến các trận chiến thì lại là vấn đề khác. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hoạt động của một số loại tàu chiến thông dụng hiện nay.
Chiến hạm hiện đại được chia làm hai loại: loại dùng để ngăn cản và loại dùng để tấn công. Tàu sân bay (carrier) không được thiết kế để thực hiện các trận chiến giữa tàu với tàu, nó như một sân bay di động để chứa máy bay tấn công mục tiêu đất liền. Cho dù có chở cả trực thăng MH-60R để chống tàu ngầm nhưng thực tế các máy bay này được dùng chủ yếu để đánh dấu mục tiêu và chống thuyền nhỏ tiếp cận. Tàu khu trục (destroyer) và tuần dương (cruiser) có nhiệm vụ bảo vệ cho tàu sân bay, chống tàu ngầm, máy bay và phòng thủ tên lửa, sử dụng tên lửa hành trình để tấn công mặt đất. Tất nhiên những tàu này cũng được trang bị pháo hạng nhẹ 127 ly, vốn thiếu tầm bắn hiệu quả, độ chính xác cũng như sức mạnh.
Còn các tàu nhỏ hơn lại hoạt động không hiệu quả, chỉ dùng để trấn áp các cuộc tấn công quy mô nhỏ, nhưng quy trình hết sức rườm rà. Đầu tiên trực thăng sẽ đi trinh sát tình hình, sau đó mới thông báo cho các tàu này, và khi họ đến nơi thì phần lớn các trường hợp chuyện đã xong rồi, việc duy nhất có thể làm là dọn dẹp hiện trường và ghi chép lại thông tin. Và tất nhiên, đến đây ai cũng thấy, chán không thể tả nổi.
Kết luận
Một nhà phát triển tốt sẽ luôn biết cách đưa game của mình đi theo đúng hướng, họ không cần phải làm một game tầm cỡ AAA với một lượng kinh phí tương tự như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là game sơ sài, đồ họa thô kệch và chỉ dành cho những ai thực sự yêu thích thể loại game mà họ hướng đến. Thế nhưng, nhiều người tin rằng một game hải chiến tốt chỉ có thể thành công khi nhà phát triển đã khoanh vùng được đối tượng khách hàng. Bất cứ sự dàn trải nào cũng sẽ chỉ dẫn đến kết quả thất bại. Có lẽ chính sự mâu thuẫn này là mấu chốt khiến cho game về hải chiến không thể nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn và trở nên phổ biến rộng rãi tới mọi người được.