Đây là những suy nghĩ, những quan điểm, thậm chí là những định kiến của các bậc phụ huynh về việc chơi game của con em mình.
Hỏi về những khó khăn lớn nhất của những bạn trẻ khi chơi game, chắc chắn câu trả lời ít nhiều sẽ thiên về các bậc phụ huynh khó tính. Đây dường như là thứ ẩn hiện trong tâm trí mỗi ai từng ghì chặt chiếc tay cầm "bốn nút", từng làm quen với bốn phím mũi tên/W-A-S-D hay chạm nhả trên màn hình di động, khiến chúng ta một thời (thậm chí là cả ngày nay) vẫn còn lạnh gáy khi nhắc tới..
Nhưng có khi nào bạn nghĩ tới lý do mà các bậc phụ huynh sử dụng liệu có dựa trên bất cứ bằng chứng nào xác đáng, hay đơn thuần chỉ là hệ quả của truyền thông và bộ phận xã hội quan liêu thiếu hiểu biết? Hãy cùng chúng tôi nhìn lại "chiều dài lịch sử" của cả một thế hệ game thủ nhằm tìm ra những định kiến đó và đòi lại công bằng.
"Chơi ít thôi, không lại cận lòi mắt ra!"
Đây là cái cớ điển hình và lý do hùng hồn nhất mà mỗi bậc phụ huynh dùng làm vũ khí để ngăn chặn con em mình chơi game, với những chiến sỹ ngã xuống đầu tiên là thế hệ 8x và đầu 9x. Chúng ta không hề bao biện việc chơi game không gây ảnh hưởng tới đôi mắt, nhưng chúng ta sẽ nói một tỷ thứ ngoài kia làm hại đôi mắt còn hơn cả việc chơi game. Việc dán chặt vào màn hình TV của các bậc phụ huynh hẳn nhiên cũng làm hại đôi mắt, nhưng chắc họ khó có thể lôi vài tỷ dân trên Trái Đất đang xem TV ra phê bình. Thế nhưng những người chơi game lại bị lấy làm bia tập bắn.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong cái thế hệ mà những chiếc CRT đã được thay thế bởi nhiều loại màn hình và công nghệ tân thời hỗ trợ tốt cho mắt. Vì thế nói việc chơi game gây ảnh tưởng tới mắt trong khi nói những hình thức khác vô hại là hoàn toàn bất công, vô căn cứ. Thậm chí, một số nghiên cứu trong vài năm gần đây còn chỉ ra rằng game giúp game thủ nhận biết màu sắc tốt hơn và phát hiện vật thể trong môi trường nhanh hơn nhiều lần so với người bình thường. Nhưng liệu tất cả những bằng chứng đó có đủ xóa sạch định kiến của các bậc phụ huynh?
Chơi game là phải mất tiền
Có một thời khi các tựa game online phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, kéo theo là hình thức giao dịch tiền thật và chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet mọc lên như nấm, khiến các bậc phu huynh luôn giữ trong đầu tư tưởng rằng việc chơi game chắc chắn sẽ khiến hầu bao thâm hụt. Điều này tựu chung đã khiến cho chữ game trở thành một hình thức giải trí xa xỉ, đánh trực tiếp vào nỗi lo kinh tế của các bậc phu huynh, khiến vạ lây sang cả những người chơi game.
Nhưng thực tế, có rất nhiều tựa game không hề đòi hỏi một đồng mà vẫn đáp ứng được những trải nghiệm thế giới ảo cơ bản nhất. Bằng chứng đó còn có tính xác đáng hơn khi so sánh với thị trường game hiện nay, đặc biệt với mảng game mobile - nơi vô vàn những sản phẩm miễn phí ra mắt theo từng ngày, chứng minh suy nghĩ trên trở thành một quan niệm hoàn toàn sai lầm, gây không ít hiểu nhầm cho người chơi game..
Hành động ảo dẫn tới phạm tội thật
Tiếp tục là một "truyền thuyết" khác không chỉ lan đi trong cộng đồng các bậc phụ huynh mà còn là những giới ngoài game. Nếu còn nhớ, tại Việt Nam trong một thời gian dài xã hội liên tục xuất hiện những sự việc thương tâm bị báo đài chụp mũ là do bạo lực trong game. Chưa biết nguồn tin chính xác tới đâu, nhưng cách họ vẽ lên viễn cảnh chơi game dường như không khác là bao so với các tệ nạn kinh tởm nhất nhì trong xã hội..
Tuy nhiên, trái lại những thông tin trên, mới đây một nghiên cứu của ban nghiên cứu cộng đồng, Đại học Buffalo, New York lại chỉ ra điều hoàn toàn ngược lại. Nghiên cứu cho hay thực hiện hành động bạo lực trong game còn giúp game thủ nhận thức rõ hậu quả mà những hành động xấu gây ra, từ đó tránh được các hành động phạm pháp trong đời thật. Nhưng có lẽ kết quả nghiên cứu có tính khoa học này sẽ chẳng thể xóa nhòa những suy nghĩ mà nhiều tờ báo, bản tin đã cấy vào tâm trí các bậc phụ huynh,...