Đối với một dàn máy tính dành cho chơi game, card đồ hoạ có thể nói là một trong những linh kiện quan trọng nhất quyết định đến hiệu năng hệ thống, mang lại trải nghiệm thực tế cho game thủ.
Tuy nhiên việc lựa chọn card cho phù hợp không phải là điều dễ dàng, do đó trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm khi lựa chọn.
Tại sao card đồ hoạ là một trong những linh kiện quan trọng nhất trong dàn máy chơi game?
Trong dàn máy tính chơi game nói riêng và trong tất cả các máy tính nói chung, card đồ hoạ có vai trò xử lý và xuất tín hiệu hình ảnh ra thiết bị trình chiếu. Tuy nhiên riêng về game, đặc biệt là game 3D, vai trò của card đồ hoạ cực kỳ quan trọng và có thể nói là còn hơn cả CPU. Đúng là bạn có thể gặp hiện tượng thắt cổ chai nếu sử dụng CPU quá yếu so với card, tuy nhiên khi đạt đến mức độ giới hạn (game vào thời điểm này thì Core i5 là đủ, lên i7 thì hiệu năng cải thiện không đáng kể so với số tiền mà bạn phải bỏ ra) thì CPU mạnh cũng không có nhiều ý nghĩa. Trong khi đó card màn hình càng mạnh thì sẽ cho tốc độ dựng hình càng cao và gần như không có giới hạn nào về hiệu năng (dù rằng nó vẫn tuân theo quy tắc càng cao cấp thì tỉ lệ hiệu năng/giá sẽ càng thấp).
Các yếu tố cần lưu ý khi chọn card màn hình dành cho chơi game (theo thứ tự)
Với thị trường linh kiện máy tính cạnh tranh cực kỳ khốc liệt như hiện nay, quy tắc đơn giản là card màn hình càng mạnh, càng nhiều tính năng thì càng đắt tiền. Vì vậy ở góc độ tuyệt đối, bạn đừng trông chờ vào chuyện card màn hình giá rẻ sẽ có hiệu năng tốt hơn card giá cao. Cái mà chúng ta nên kỳ vọng đó là liệu số tiền của bạn bỏ ra có hợp lý với nhu cầu sử dụng hay không mà thôi.
1. Phân khúc giá
Điều đầu tiên mà bạn nên quan tâm khi lựa chọn card màn hình chơi game đó chính là phân khúc giá.
Các dòng card thuộc tầm giá 4-7 triệu như GIGABYTE GV-N950Xtreme-2GD (4,9 triệu) được ưa chuộng nhờ tỉ lệ p/p tốt
Card màn hình từ trước đến nay luôn có một điểm ngọt dành cho những bạn muốn đạt tỉ lệ hiệu năng/giá cao nhất: 4-7 triệu. Điển hình là vào thời điểm hiện tại, đại diện của phân khúc này là Nvidia GTX 960 và GTX 950 được giới game thủ Việt Nam rất ưa chuộng bởi hiệu năng rất tốt. Những mẫu card trong phân khúc này thường đủ để bạn có thể max setting những trò bom tấn 1-2 năm trước đồng thời có thể trụ được 60 fps ở mức thiết lập medium hay high của các tựa game mới ở độ phân giải fullhd.
Card màn hình giá rẻ như MSI R7 250 1GD5 OC chỉ khoảng 2 triệu đồng, dù hiệu năng cải thiện so với GPU tích hợp nhưng khó có thể đem lại trải nghiệm tốt cho game thủ
Phân khúc giá từ 4 triệu trở xuống, theo kinh nghiệm của mình nó chỉ dùng để chữa cháy là chính hoặc dành cho các hệ thống HTPC, cần hiệu năng đồ hoạ cao hơn GPU tích hợp để xử lý video. Bạn khó có thể max setting các tựa game 3D bom tấn trừ khi nó đã ra mắt cách đó 3-4 năm, và việc trụ 60 fps là điều rất khó khăn ngay cả ở thiết lập medium/fullhd đối với các tựa game mới. Nếu xét về mặt trải nghiệm, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu như đầu tư thêm tiền để sắm card phân khúc 4 – 7 triệu đồng.
Với mức giá trên dưới 10 triệu đồng, Nvidia GTX 970 là một sự lựa chọn tốt nếu như bạn không muốn lao vào cuộc đua hiệu năng
Tuy không tốt như các mẫu dưới, tỉ lệ hiệu năng/giá của phân khúc 8-10 triệu vẫn thuộc hàng khá. Những mẫu như GTX 970 hay AMD R9 390 được đánh giá rất cao, đặc biệt là hiệu năng của các phiên bản OC (ép xung sẵn) đôi lúc còn ngang cả dòng cao hơn phiên bản chuẩn (chẳng hạn như GTX 970 OC thường có hiệu năng tương đương GTX 980 stock). Trở ngại lớn nhất là tầm giá bắt đầu trở nên tương đối cao, hay theo lý lẽ của các bậc phụ huynh là “tại sao phải mua một cái card màn hình mà giá đắt bằng nguyên cả cái laptop”. Những dòng card trong phân khúc này thường không gặp vấn đề gì khi max setting tất cả ở FullHD, trừ rất ít những tựa game đòi hỏi cấu hình khủng khiếp nhất.
Song hành với những dòng card đầu bảng như GTX 980 Ti luôn là những tính năng bổ trợ ấn tượng (đèn, tản nhiệt khủng, thiết kế hầm hố,...) và mức giá trên trời (khoảng 18 triệu cho GIGABYTE GV-N98TG1 Gaming-6G trong hình)
Từ 10 triệu trở lên có thể nói là sân chơi của chỉ những bạn game thủ với hầu bao thật sự rủng rỉnh. Những dòng sản phẩm ở đây thường là những dòng đầu bảng với hiệu năng rất cao, tuy nhiên tỉ lệ hiệu năng/giá tương đối thấp. Điển hình như GTX 980 Ti hiệu năng hơn GTX 970 khoảng 30%, thế nhưng giá lại đắt hơn gấp rưỡi tuỳ hãng. Tuy vậy, để chơi được các trò chơi mới mượt mà ở độ phân giải 4K thì bạn sẽ cần hiệu năng cao nhất, và điều đó đồng nghĩa với việc sắm các dòng card đầu bảng cao cấp dù chúng đắt đỏ như thế nào đi nữa.
Bảng tổng quan các dòng card phổ biến và phân khúc giá
Tùy theo điều kiện kinh tế, mục tiêu trải nghiệm (thích max setting hay chỉ đơn thuần là tận hưởng cách chơi, cốt truyện) mà bạn nên xác định phân khúc cho phù hợp với nhu cầu của mình ngay từ đầu. Một sự thật là các dòng card đồ hoạ hiện nay có mức độ cạnh tranh rất cao, card màn hình càng đắt tiền thì hiệu năng mang lại sẽ càng tốt. Mình thường thấy nhiều người cảm thấy thất vọng vì card yếu chứ ít ai lại thấy hối hận khi sắm card quá mạnh.
Thương hiệu
Sử dụng cùng một chip đồ hoạ, tuy nhiên thường có một sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu lớn (GIGABYTE, ASUS,…) so với những tên tuổi ít phổ biến hơn (Palit, HIS,…). Chẳng hạn như cùng là dòng card sử dụng GPU GTX 970, tuy nhiên phiên bản Palit Nvidia GTX 970 JetStream 4GB GDDR5 có giá khoảng 9 triệu, trong khi GIGABYTE N970XTREME-4GD có giá 10,6 triệu. Mặc dù phiên bản của GIGABYTE có xung nhịp cao hơn (nên hiệu năng cũng nhỉnh hơn), tuy nhiên chắc chắn không ít bạn cũng sẽ có chút đắn đo liệu mình có nên tiết kiệm đôi chút tiền khi lựa chọn phiên bản của Palit.
Những thương hiệu lớn thường sẽ có chế độ hậu mãi và bảo hành tốt
Cá nhân mình thì quan điểm thế này, các thương hiệu lớn chẳng hạn như GIGABYTE thường có dịch vụ bảo hành, hậu mãi sau mua hàng rất tốt. Dĩ nhiên là không ai trong chúng ta muốn việc card màn hình của mình bị lỗi, nhưng đồ điện tử thì khó ai có thể nói trước được và đôi lúc bạn sẽ phải đem card đi bảo hành. Vì vậy nếu dịch vụ tốt sẽ giúp bạn tránh được những phiền toái không đáng có. Điều này không có nghĩa là dịch vụ bảo hành của các thương hiệu nhỏ không tốt, nhưng khả năng bạn gặp những vấn đề như chậm bảo hành, không có hàng đổi,… sẽ cao hơn. Vì vậy đối với mình thì bỏ tên tiền để sắm những sản phẩm của hãng lớn giống như mua thêm bảo hiểm cho card vậy, giúp bạn cảm thấy an tâm hơn (dù chỉ là về mặt tâm lý vì chuyện gì cũng có thể xảy ra) nếu như dư dả về tài chính. Trong khi đó nếu như kinh phí hạn hẹp, những dòng card thuộc thương hiệu nhỏ vẫn là một sự lựa chọn tốt.
Phiên bản card
Để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng, hay để rối hơn trong việc chọn lựa tuỳ theo góc nhìn của bạn, mỗi hãng thường có nhiều phiên bản card màn hình sử dụng chung dòng chip đồ hoạ. Sự chênh lệch giá của chúng có thể chỉ từ vài trăm cho đến cả triệu đồng. Sự khác biệt ở đây có thể đơn thuần là xung nhịp (các dòng OC) cho đến cả thiết kế (series Xtreme của Gigabyte, Lightning của MSI, Strix của Asus,…). Đối với các dòng OC, lựa chọn là tương đối đơn giản vì giá cả tỉ lệ thuận với hiệu năng (hay chính xác hơn là xung nhịp). Không phủ nhận việc bạn có thể tự ép xung, tuy nhiên việc hãng đã ép xung sẵn chứng tỏ họ đảm bảo rằng card sẽ hoạt động ổn định trong khi không có gì đảm bảo là bạn sẽ có được sự ổn định như vậy khi ép xung lên cả.
Cấu hình thử nghiệm: CPU Intel Core i5 3570k, 8 GB Corsair Vengence DDR3 1600 Mhz, Main Asus P8Z77-V, PSU Raider 650W, Windows 8.1, max setting@FullHD
Đối với những dòng card phiên bản đặc biệt (Asus Gold Aniversary, GIGABYTE Xtreme, MSI Lightning,…) thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn đôi chút. Chẳng hạn như năm ngoái mình từng sử dụng dòng card GIGABYTE N970G1 GAMING-4GD, năm nay hãng tiếp tục ra thêm một phiên bản mới là GIGABYTE N970XTREME-4GD, giá chênh nhau khoảng 500k. Không những hiệu năng được cải thiện (dù không nhiều) mà còn được bổ sung nhiều tính năng hơn. Bởi vậy thông thường nếu điều kiện cho phép, lời khuyên của mình là bạn nên lựa chọn các phiên bản đặc biệt đời mới dù giá nó có cao hơn so với phiên bản thường.
Những dòng card phiên bản đặc biệt luôn có hệ thống tản nhiệt hầm hố và hiệu quả cao
Thứ nhất là về hệ thống tản nhiệt, những dòng card phiên bản đặc biệt như Xtreme hay Lightning luôn sử dụng phiên bản tản nhiệt cao cấp hơn so với những dòng thông thường (Windforce, Twin Froz,…). Vì vậy hiệu năng tản nhiệt nó sẽ tốt hơn, giúp giảm nhiệt độ hoạt động và góp phần tăng tuổi thọ cho linh kiện (ít nhất là trên lý thuyết). Bên cạnh đó, nó còn cho phép bạn ép xung ở mức cao hơn trước khi gặp vấn đề về nhiệt độ hoạt động.
GIGABYTE N970XTREME-4GD sử dụng 2 đầu cấp nguồn 8 pin so với 6+8 pin của phiên bản Windforce
Thứ 2 là các linh kiện sử dụng trong card phiên bản đặc biệt thường cao cấp hơn, gia tăng tuổi thọ cũng như sự ổn định của card trong lúc hoạt động. Nhiều hãng sản xuất còn tăng thêm số lượng đầu pin, cho phép bạn tăng điện năng sử dụng đồng thời ép xung vượt mức mặc định của nhà sản xuất. Chẳng hạn như phiên bản GIGABYTE GTX 970 G1 sử dụng 2 dây cấp nguồn là 6 và 8 pin, trong khi phiên bản đặc biệt như GIGABYTE N970XTREME-4GD thì dùng đến 2 dây cấp nguồn 8 pin.
GIGABYTE GTX 970 phiên bản Xtreme tích hợp nhiều đèn LED, phù hợp với các game thủ thích show hàng hệ thống của mình.
Cuối cùng là các dòng GPU ở phiên bản đặc biệt thường có thiết kế rất hầm hố, nhất là ở những dòng cao với xu hướng sử dụng đèn LED để gây ấn tượng. Nếu như bạn sử dụng thùng máy với cạnh bên trong suốt thì đây cũng là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Một dàn máy đủ khiến bạn tự hào về cả hiệu năng lẫn ngoại hình luôn là điều mà các game thủ mơ ước. Dĩ nhiên, điều kiện quan trọng nhất vẫn là kinh phí của bạn cho phép.