Tham gia War Thunder, khó khăn đầu tiên mà game thủ vấp phải không tới từ "ưu điểm, nhược điểm của từng nước" hay "nên dung máy bay, xe tăng gì" mà là từ chính các thuật ngữ chuyên môn cũng như cách sử dụng chúng sao cho hợp lý. Phần đầu tiên này sẽ nói rõ hơn cho người chơi biết về đạn dược cũng như khả năng nâng cấp.
Chế độ chơi và sự khác biệt
Chế độ Arcade Battles (AB): Đây là một chế độ cực dễ, các thông số kỹ thuật đều được tăng giảm sao cho người chơi mới (newbie) cũng dễ dàng tiếp cận. Vì thế nếu có ai đó bảo chế độ AB là cho vui (for fun) hay thậm chí là "chế độ newbie" cũng không sai. Ở chế độ này khi ngắm bắn sẽ có "hồng tâm tự động" giúp xác định vị trí địch, điểm đạn rơi, chưa kể các yếu tố xấu ảnh hưởng tới máy bay, xe tăng đều được loại bỏ tối đa.
Chế độ Realistic Battles (RB): Đây là chế độ nâng cao, nếu ví AB là chế độ dễ thì RB được xem là khó, trong chế độ này tâm tự động bị loại bỏ nên sức mạnh của từng loại súng thể hiện rõ rệt cũng như việc căn đường đạn, xác định hướng bay địch đều do kinh nghiệm của phi công. Chưa kể các yếu tố xấu ảnh hưởng tới máy bay, việc nắm rõ thông số máy bay để dùng sao cho tốt cũng đủ làm phi công đau đầu ít lâu.
Chế độ Simulator Battles (SB): Đây là chế độ mô phỏng dành cho những phi công muốn trải nghiệm cảm giác làm phi công "thật sự", để bay được chế độ này gần như game thủ phải thuộc nằm lòng thông số máy bay, cách một chiếc máy bay vận hành ra sao chưa kể tới việc mắt phải tốt vì ở chế độ này, kẻ địch chỉ được xác định bằng mắt thường. Chỉ việc cất cánh khỏi đường bang hay hạ cánh đã là một vấn đề của chế độ SB, nếu game thủ làm được việc cất cánh và hạ cánh, đã giỏi hơn rất nhiều người chơi khác.
Đạn dược, vũ khí trong game
Yếu tố không thể thiếu trong một game "khủng" về chiến tranh là vũ khí, đạn dược bởi sẽ chẳng thể nào gọi một game về chiến tranh là hay nếu bạn có thể "nhét bất kì loại đạn nào vào súng và bắn". Với War Thunder, đạn dược thôi chưa đủ, mà người chơi còn phải để ý tới cả thông tin loại đạn đó dùng làm gì. Với một số game thủ "pro" họ còn quan tâm tới "thứ gì trong viên đạn" để cho hiệu quả tốt nhất. Và War Thunder cung cấp đủ mọi thứ để thoả mãn điều đó.
Vì lấy bối cảnh từ giai đoạn Thế chiến thứ 2 (WWII) kéo dài tới chiến tranh Triều Tiên (KW) nên vũ khí trong trò chơi này mang tính đặc thù riêng. Game cho phép người chơi sử dụng 3 loại vũ khí cùng lúc bao gồm vũ khí tấn công (thường là súng máy, pháo tự động), vũ khí phụ (tên lửa, bom, ngư lôi) và vũ khí phòng thủ (các loại ụ súng trên máy bay ném bom, máy bay tấn công).
Trước tiên là về đạn, trong War Thunder, đạn không chỉ là cục thép bay ra từ nòng súng, mà còn có các thông tin về viên đạn, theo đó người chơi sẽ phải lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Đạn súng máy
Ball: Đa mục đích
- T: Tracer, đạn vạch đường
- I: Incendiary, đạn cháy
- IT: Incendiary tracer, đạn cháy, vạch đường
- AI: Adjustment incendiary, đạn nổ khi chạm mục tiêu, giúp ngắm bắn
- IAI: Imediate-action incendiary, đạn cháy ngay khi chạm vào mục tiêu
- AP: Armor-piercing, đạn xuyên phá
- AP-I: Armor-piercing incendiary, đạn xuyên cháy
- AP-T: Armor-piercing tracer, đạn xuyên - vạch đường
- API-T: Armor-piercing incendiary tracer, đạn xuyên cháy vạch đường
Đạn pháo
- P: Practice, đạn tập luyện
- T: Tracer, đạn vạch đường
- IT: Incendiary tracer, đạn cháy, vạch đường
- IT*: incendiary tracer (self destroying), đạn cháy, vạch đường (tự hủy)
- FI-T*: Fragmentation incendiary tracer (self destroying), đạn nổ mảnh cháy vạch đường (tự hủy)
- AP-I: Armor-piercing incendiary, đạn xuyên cháy
- APHE: Armor-piercing high explosive, đạn xuyên nổ
- HEI: High explosive incendiary (minengeschoss), đạn nổ cháy (đạn mìn)
- HEF-I: High-explosive fragmentation incendiary, đạn nổ mảnh cháy
- HEF-SAPI: High explosive fragmentation (Semi armor piercing incendiary), đạn nổ mảnh (bán xuyên cháy).
Các thành phần trong băng đạn luôn được thể hiện rõ.
Trong game nói riêng hay quân đội nói chung, việc ghép các tên này lại sẽ cho thấy hiệu quả của viên đạn là gì, VD như AP + I = API (đạn xuyên giáp gây cháy) hay APIT (đạn xuyên giáp gây cháy có khả năng vạch đường giúp người bắn đoán được hướng đạn) và cũng theo đó mỗi băng đạn sẽ cho hiệu quả nhất định. Việc còn lại người chơi cần chú ý là xem thành phần trong băng đạn là gì, tuỳ theo ưu nhược mà dùng, có thể tóm gọn chức năng các băng đạn như sau.
- Băng Universal thường phù hợp với mọi tình huống giao chiến.
- Băng Air Targets phù hợp trong việc tiêu diệt máy bay địch.
- Băng Tracer phù hợp cho người mới chơi bởi vì nó khiến cho phép theo dõi đường đạn dễ hơn so với các băng đạn khác và giúp cho việc ngắm bắn. Thường thì băng đạn này có khả năng gây sát thương khá thấp tuy nhiên một số nước có băng Tracer rất nguy hiểm.
- Băng Night là một biến thể của băng Tracer giúp phi công theo dõi đường đạn khi bắn trong đêm.
- Băng Ground Target được khuyến khích sử dụng khi tiêu diệt mục tiêu dưới đất hoặc máy bay được bọc thép dày do nó cấu tạo từ đạn AP là chủ yếu nên có thể dễ dàng xuyên giáp.
- Băng Stealth thường được sử dụng bởi những người chơi có kinh nghiệm do không ai có thể thấy đường đạn, bởi vì nó không có đạn vạch đường. Băng này khá hữu dụng khi phục kích đối thủ vì họ không thể thấy khi nào bạn bắn cho đến khi họ đã dính sát thương.
Các loại băng đạn khác nhau.
Vũ khí tấn công: Trong bối cảnh của game, vũ khí tấn công chính của các máy bay là súng máy và pháo tự động, với các dòng súng máy từ 7.62mm tới 13mm thì cỡ nòng to, chất lượng đạn tốt sẽ tạo ra sát thương càng tốt. Còn với pháo tự động từ cỡ nòng 20mm trở lên cho tới lớn nhất hiện nay là 75mm trang bị cho máy bay Đức, Mỹ thì cỡ nòng càng lớn sát thương sẽ càng lớn, người chơi chỉ cần quan tâm tới "độ giật" của súng và "độ chính xác của đường đạn".
Vũ khí phụ: Bao gồm bom, rocket (tên lửa ngu hay còn gọi là tên lửa không có hệ thống ra đa dẫn đường), ngư lôi (chống tàu) và rõ ràng là kích cỡ càng to, sức nổ càng lớn càng hiệu quả. Tuy nhiên nên nhớ là máy bay đeo vác các thứ "to bự" này sẽ kéo theo hệ lụy máy bay nặng, bay chậm, khó cua quẹo và dĩ nhiên là không chiến sẽ kém hiệu quả rõ rệt.
Vũ khí tự vệ: Là các ụ súng máy hay ụ pháo do xạ thủ vận hành, vào giai đoạn này thì các máy bay ném bom, máy bay tấn công vẫn cần tới hệ thống phòng thủ kiểu này, việc trang bị tốt cho ụ súng cũng giúp phần nào bảo vệ máy bay.
Cửa sổ chọn vũ khí.
Yếu tố nâng cấp: Máy bay muốn tốt thì cần thiết kế thật tốt và phi công giỏi. Vấn đề nâng cấp sao cho hợp lý cũng là bài toán cho người chơi.
Nâng cấp máy bay: Hay còn gọi là nâng cấp module (bộ phận) việc lựa chọn nâng cấp cái gì trước, cái gì nên bỏ qua cũng góp phần làm đau đầu, bài viết sẽ hướng dẫn một cách đơn giản - cơ bản nhất cho người đọc nắm bắt cách nâng cấp máy bay.
Fighter (máy bay chiến đấu): Mục tiêu của fighter là không chiến, tấn công máy bay địch nên sẽ cần cơ động là 1, khả năng leo cao để lấy ưu thế tầm cao là hai và sức mạnh hoả lực là 3 như vậy với ba tiêu chí này rõ ràng chúng ta sẽ cần nâng cấp các bộ phận hỗ trợ mạnh về động cơ, các bộ phận giúp chống lại sức cản của gió và "súng" là thứ cần nâng cấp.
Bomber (máy bay ném bom) – Attacker(máy bay tấn công): Mục tiêu của hai loại máy bay này chủ yếu là trút bom đạn lên kẻ thù dưới đất, biển và cố sống sót cho nên các máy bay này cần nâng cấp sao cho thoả các điều kiện sau: tải trọng vũ khí lớn, đeo được bom, rocket, ngư lôi to, số lượng càng nhiều càng tốt. Máy bay phải sống sót càng lâu càng tốt khi bay vào trận địa phòng không cũng như đối phó fighter địch. Như vậy khi nâng cấp sẽ chú ý các bộ phận như giáp, bộ phận gia cố máy bay, ụ súng phòng thủ, các rãnh-khe-càng chứa vũ khí phụ, động cơ là thứ yếu sẽ được nâng cấp kèm theo (game thủ không thể bay với tải trọng lớn khi mà động cơ quá yếu).
Ưu tiên nâng cấp theo mục đích sử dụng sẽ tăng hiệu quả của máy bay thay vì nâng cấp ồ ạt.
Nâng cấp phi công: Máy bay tốt thiếu phi công giỏi chẳng khác gì "cục gạch bay giữa trời" và việc nâng cấp phi công cũng đòi hỏi một số kiến thức nhất định.
- Tầm nhìn (Keen Vision): Nâng cao tầm phát hiện địch, tầm nhìn tính từ 4 km (chưa huấn luyện) đến 8 km (tối đa). Sự phát hiện chỉ bao quát trong vùng phạm vi hình nón theo hướng nhìn của người chơi. Khoảng cách phát hiện tối đa cũng phụ thuộc vào kích thước của mục tiêu, điều kiện ánh sáng và các yếu tố khác.
- Nhận thức (Awareness): Tăng cường phạm vi phát hiện các mục tiêu của đối phương tính theo khoảng giữa bắt đầu từ 150m (chưa qua đào tạo) đến 300m (tối đa). Khả năng phát hiện này được thực hiện theo mọi hướng xung quanh máy bay.
- Khả năng chịu đựng trọng lực - lực G (G-Tolerance): Ảnh hưởng đến tình trạng quá tải mà một phi công có thể thích ứng một cách hiệu quả (xem như một mức độ "ngất tạm thời" hoặc quá tải"máu lên não"- tối đen màn hình hay đỏ màn hình trong các pha cua gấp, bẻ lái tốc độ cao.
- Sức chịu đựng (Stamina): Ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của phi của công sau những đợt quá tải, giảm thời gian hồi phục. Sức bền được thể hiện trong những pha hành động tốc độ cao của máy bay.
- Sinh lực (Vitality): Tăng khả năng chịu đựng sát thương, nói cách khác là ăn đạn nhiều hơn, không thể bất tử được nhưng sẽ "sống dai" hơn so với phi công không có điểm phần này, dĩ nhiên chỉ với sát thương nhỏ như đạn 7.62mm hay mảnh đạn từ súng phòng không, chứ ăn đạn 12.7mm trở lên bảo đảm chết.
Mục gunner: (Chỉ dành cho bomber – attacker hay các máy bay có ụ súng phòng thủ)
- Số xạ thủ giỏi (Experienced Gunners): Nói một cách đơn giản là máy bay có ụ súng phòng thủ với xạ thủ giỏi, sẽ tốt hơn xạ thủ kém, như vậy đây là mức cần nâng cho phù hợp với số xạ thủ có trên máy bay. (ví dụ máy bay có 5 ụ súng thì mục này cần nâng 5).
- Độ chính xác khi bắn (Fire Accuracy): Kĩ năng này chỉ áp dụng khi xạ thủ được điều khiển bởi AI (chế độ auto, không dùng tay) giúp bắn chính xác hơn khi người chơi bận, dĩ nhiên không ai có thể vừa ném bom vừa bắn ụ súng cả, thế nên đây là mục cần.
- Độ tập trung đường đạn (Precision): Giảm độ tản mác của súng, như vậy khi bắn đạn sẽ tập trung vào một điểm thay vì bay tứ tung. Đây là mục cơ bản "phải chú ý" nâng dù là phi công fighter hay bomber đều cần.
Cửa sổ nâng cấp phi hành đoàn.