Game thủ tham gia Ground Force trong War Thuner đều phát hãi với chuyện "một hit chết ngay".
Thành công vang dội với bầu trời bão lửa, cách đây không lâu Gaijin Entertainment (GJ) lại tiếp tục làm rung động mọi con tim fan đam mê dòng game thế chiến với Ground Force. Trải qua các kì test như super test (chỉ nhân viên GJ được tham gia) sau đó tới test kín (số lượng game thủ cực kì hạn chế được tham gia) và cuối cùng là cho phép người chơi cùng test tới nay game đã thu được nhiều thành công ngoài sức mong đợi. Vẫn còn nhiều hạt sạn "nhỏ" nhưng chưa thấy game thủ rời bỏ chiến trường War Thunder nếu không phải là những người có "sự gắn bó đặc biệt" với một thể loại hay một game nào đó.
Tính thực tế cao: Nhiều game thủ tham gia game đều phát hãi với chuyện "một hit chết ngay" của game. Điều này vượt quá sức tưởng tượng của người chơi, tại sao không có các màn đấu súng coi ai "trâu" hơn – nhiều máu hơn. Hay là tại sao một khối thép hàng chục tấn như xe tăng lại cứ một phát là bùm, tháp pháo quay mòng mòng hai, ba mét trên không. Tới việc xe tăng địch cạnh mình nãy giờ không thấy rồi đột nhiên lù lù hiện ra? Hay là tại sao bắn cả chục phát nó không chết, nó cứ một phát là mình lên bảng. Mọi thứ đều được giải đáp bởi hệ thống DM, thứ vốn dĩ song hành cùng tên tuổi GJ.
Theo đó, khi dựng nên một chiếc xe tăng hay bất kì khí tài quân sự nào trong game, GJ đã dùng phương pháp cao cấp hơn hẳn những nhà sản xuất game khác (đội ngũ làm game tới từng bảo tàng, xem xét thông số thực của từng khí tài quân sự). GJ làm nên hệ thống tính sát thương theo từng bộ phận của khí tài quân sự, có nghĩa là tạm biệt với thanh máu truyền thuyết, tạm biệt các pha giằng co đếm từng điểm máu, chiến trường giờ sẽ khốc liệt hơn, kẻ nhanh tay hơn, kẻ nào nắm rõ điểm yếu địch, kẻ đó sẽ thắng. Bắn cả chục viên đạn vào một vị trí không cần thiết, xe tăng địch vẫn khoẻ, vẫn mạnh, nhưng chỉ cần một viên đạn xuyên được giáp địch và găm vào bất kì bộ phận nào quan trọng hay tổ lái địch mọi thứ sẽ chấm dứt.
Tính chiến thuật cao: Đặt người chơi vào thế sẽ phải chết khi đánh trực diện kẻ mạnh hơn mình về mọi thứ hình thành nên tính chiến thuật, làm cách nào để giữ mạng sống khi kẻ địch có súng to hơn, giáp dày hơn? Với kẻ mạnh thì sẽ có kẻ mạnh hơn. Liệu bao nhiêu chiếc xe tăng dám tự hào có thể hứng một quả bom 500kg từ máy bay mà vẫn sống? Từ đó các chiến thuật ra đời, đâm hông, bủa vây tốc độ cao, ẩn nấp, phục kích, đội hình so le, do thám gọi máy bay yểm trợ, tiêm kích bảo vệ vùng trời tác chiến, và các thứ khác ra đời nếu người chơi không muốn thua trận. Sẽ có lúc người chơi hớt hải bỏ chạy khỏi chỗ núp khi nghe từ radio: "Ném bom vào toạ độ XX", hay là sẽ có lúc phải điên tiết: "Nó ném bom nhầm phe ta".
Tác chiến tất cả mặt trận: Những game lấy bối cảnh thế chiến dạng mô phỏng trước đây "thường" cho người chơi chỉ chọn một trong ba môi trường tác chiến, tăng, máy bay hay tàu thuỷ. Người chơi vẫn thèm khát một game cho phép họ cùng đụng trận nhau cả ba mặt trận với ba binh chủng "Mặt đất - bầu trời - biển cả". Trước đây nhiều game thủ rỉ tai nhau về sở thích sẽ có lúc mình lái máy bay, lượn qua đầu tăng địch và dội bom, hay là lấy tăng gọi bom đạn dìm chết đối phương. Mơ ước chỉ là mơ ước tới khi họ được sờ vào War Thunder.
Game cho phép người chơi cất cánh từ đường băng trong khi đồng đội tại mặt trận đang giằng co giành nhau từng mét đất, nhìn từ buồng lái mặt đất bên dưới đang bốc cháy, và nghe radio tiếng đồng đội kêu gọi máy bay yểm trợ. Hay thích thú hơn khi ngồi trong chiến xa, chỉ điểm toạ độ và bùm một quả bom 500kg xé tan tăng địch từ máy bay phe ta kèm theo câu nói đùa: "Mày nợ tao một cốc bia sau trận chiến đấy đấy thằng thiết giáp" từ phim vào game từ xa hoá gần. Tương lai chắc chắn sẽ có cả hải quân và khi đó kịch bản hạm đội đấu nhau, pháo hạm oanh kích yểm trợ bộ binh – tăng là điều chắc chắn sẽ có.
Những thứ cần làm quen khi tham gia Ground Force - War Thunder
Game có ba chế độ với sự khác biệt về độ khó cũng như thú vị riêng của từng chế độ.
AB mode: Mọi thứ đơn giản hơn, tâm nhắm sẽ được hệ thống tính sẵn điểm đạn rơi, màu thể hiện sức xuyên phá xanh (100% xuyên), vàng (50% xuyên – đây là các khu vực có giáp bảo vệ phụ) và đỏ (0% xuyên). Hệ thống này tính toán dựa trên các tiêu chí độ pen của đạn, khoản cách, kết cấu bề mặt giáp tiếp xúc, địa hình, xe tăng được "buff" thêm một chút sức mạnh tuỳ thiết kế so với thực tế nhanh hơn, mạnh hơn. Ngoài ra thì chế độ này chưa được phép bắn máy bay kèm theo, hiểu theo nghĩa tích cực thì newbie sẽ bỏ được nỗi lo "cái chết từ trời cao".
RB mode: Có sự xuất hiện của máy bay. Ngoài các kĩ năng cần thiết của một tổ lái tăng, người chơi còn phải học được cách ẩn náu nếu không muốn bị phát hiện và ăn bom. Không còn tâm ngắm tự động nên mọi thứ phải ước lượng bằng mắt bao gồm cả khoảng cách, vị trí điểm yếu của tăng địch, thông số kỹ thuật của tăng được đưa về sát thực tế (sẽ không có chuyện xe tăng phóng như bay, lướt trên đất trừ khi bị lỗi hệ thống). Người chơi được chọn một tăng một máy bay đem vào trận chiến, không làm hỏng chúng thì có thể dùng nhiều lần. Ví dụ máy bay ném hết bom có thể quay về sân bay nạp lại hay về sân bay rồi cất máy bay chuyển qua lái tăng.
SB: Chế độ siêu khó. Tại đây tầm nhìn của xe tăng ở vị trí một "chỉ huy tổ lái" và việc phát hiện địch chỉ dựa vào vị trí đồng đội chỉ điểm hay "mắt của chính mình". Vì vậy nếu gặp tăng địch sơn ngụy trang khéo hay nấp kĩ thì xác định "mắt sẽ rất dễ lên độ". Trong trường hợp người chơi nắm vững kĩ thuật bay siêu khó của chế độ SB và lái tăng siêu hạng thì trở ngại tiếp theo của họ là "chiến thuật dùng tăng-máy bay hợp lý".
Vì chế độ SB mới nâng cấp bắt buộc họ phải đổi điểm để sử dụng tăng, máy bay và điểm này kiếm được bằng cách tiêu diệt đối phương. Đồng nghĩa với chuyện ai là anh hùng lập công to thì mới được cấp nhiều khí tài quân sự cho dùng. Và xác định là nếu chả may game thủ nào đó xui xẻo vừa lấy xe tăng ra ăn một trái bom từ dù phe ta hay địch thì hết điểm. Hết điểm bằng kết thúc game sớm! Lúc này kĩ năng cá nhân giỏi cũng nên cầu may mắn để không bị "lính mình ném bom vào phe ta".
Nắm vững kiến thức về khí tài quân sự, cụ thể là "cái gì dùng để hạ cái gì". Trong Ground Force hiện có các khí tài quân sự sau Light Tank (LT-Tăng hạng nhẹ), Medium Tank (MT – tăng hạng trung), Heavy tank (HT - Tăng hạng nặng), Tank Destroyer (TD -pháo diệt tăng), Pháo phòng không (cái tên nói lên tất cả).
LT: Nhẹ, nhỏ, nhanh là miêu tả về LT, có tối đa 3 mạng để sử dụng, lẽ dĩ nhiên là LT sẽ không vác được súng to hay có ưu thế về hoả lực nhiều. Công việc của người chơi là phát hiện kẻ địch, quấy rối đội hình địch, thậm chí là phát hiện rồi gọi pháo binh yểm trợ tiêu diệt tăng địch và chống lại LT đối phương.
MT: tăng hạng trung, ưu thế hoả lực mạnh, giáp vừa phải, tốc độ tốt. Đây là nhân tố chính trong việc tấn công địch, chiếm cứ điểm bằng tốc độ và MT có kĩ năng gọi pháo binh yểm trợ tương tự LT, chúng chỉ kém LT về tốc độ còn lại mọi thứ hơn hẳn, và MT có hai mạng để dùng.
Chiến thuật chính của MT đa dạng, là mẫu xe tăng tiền thân của hệ thống chiến thuật "tăng chủ lực" thay thế cho khái niệm LT_MT-HT lỗi thời. Đánh chặn MT địch, dựa vào tốc độ và giáp tốt để chiếm cứ điểm, thậm chí nhiều chiếc MT có thể dùng tốc độ để tiêu diệt HT dễ dàng. Vì HT chậm chạp hơn chúng, vây quanh HT và bắn vào các điểm yếu trên giáp là cách hay để trị HT.
HT: Tăng hạng nặng. Những pháo đài di động thứ thiệt, giáp dày, hoả lực cực mạnh. Hầu hết HT trong game được dùng với vai trò như tường thành chống lại địch, tuy nhiên với sự xuất hiện của máy bay, HT nhanh chóng thành khối phế liệu vài chục tấn chỉ sau một quả bom trúng đích, máy bay luôn nhanh hơn tăng, và chắc chắn bom cũng vậy.
Chiến thuật dùng HT phổ biến hiện nay vẫn là ẩn nấp và dùng hoả lực mạnh tuyệt đối để tiêu diệt đám chạy rông trên chiến trường bao gồm cả MT hay LT, dễ hiểu hơn là chiến thuật "đổ bê tông". Đôi khi HT dùng cả ưu thế giáp dày trong các trận cận chiến tuy nhiên sẽ khá khó nhằn khi một chọi vài chiếc MT một lúc. Và hơn cả, hoả lực mạnh, giáp dày nhưng một chiếc HT chỉ có một mạng duy nhất trong suốt trận chiến, chết là hết. Và cũng không có cả kĩ năng gọi pháo binh yểm trợ.
TD: Pháo diệt tăng, như tên gọi là hung thần với xe tăng. Hình dạng nhỏ trừ một số TD to xác còn lại đa số lùn, không có tháp pháo, chúng làm công việc duy nhất là dùng thế mạnh "giảm trọng lượng từ việc không có tháp pháo" để chạy tới nơi ẩn núp và chờ tăng địch lộ diện. Hoả lực của nhánh TD là "mạnh tuyệt đối" trong việc tiêu diệt tăng, chúng sinh ra là để chọc thủng mớ sắt thép nặng hàng chục tấn kia. Số lượng mạng của TD tuỳ vào từng loại, như Jagpanther của Đức chỉ có một mạng, Su 100 của Liên Xô lại có hai mạng.
TD có giáp trước khá dày để có thể chống trả các phát bắn trực diện nhưng ưu điểm nhẹ không tháp pháo đôi khi lại là tử huyệt vì một TD bị tấn công vào hông hay sau lưng sẽ không có khả năng đánh trả. Để tận dụng tốt TD người chơi cần nhớ rõ các kĩ năng sau "di chuyển nhanh", "ẩn nấp kĩ", "nhắm bắn chính xác" và "thông thuộc địa hình".
Pháo phòng không: Như tên gọi, là kẻ bảo vệ vùng trời tác chiến thứ hai sau tiêm kích, hỗ trợ đồng đội tăng bằng cách bắn hạ máy bay địch, với người chơi đam mê quân sự đều rõ kẻ nào có được ưu thế từ bầu trời gần như áp đảo hoàn toàn được bên kia. Là nhánh khí tài quân sự được trang bị đạn nổ chậm. Như vậy người chơi sẽ hiểu được thế nào là một "Điện Biên Phủ trên không" khi hàng tốp tổ đội pháo phòng không chĩa súng lên trời nhuộm một màu đen nghịt từ đạn nổ phủ lấp máy bay địch. Tuỳ vào cỡ pháo, thậm chí trong các trường hợp cấp bách, một xe pháo phòng không có thể hạ súng bắn cả LT nếu cần. Tận dụng ưu thế bắn nhanh, đạn nổ văng miếng để tiêu diệt máy bay, pháo phòng không còn được ưu ái khi có kĩ năng gọi pháo binh yểm trợ. Đây là mối đe doạ với các phi công.
Tìm hiểu về thiết kế- cấu tạo của khí tài quân sự: Do không áp dụng HP bar mà hoàn toàn dựa vào hệ thống DM, trong game để dễ hiểu người chơi chỉ cần nhớ một chiếc xe tăng có ba trạng thái khi ăn đạn.
- Không xuyên giáp được – không có sát thương và sẽ được thông báo là "Undamage".
- Xuyên giáp có sát thương nhưng không trúng chỗ yếu. Đây là trường hợp dễ thấy với game thủ non kinh nghiệm, cứ bắn bừa vào chỗ nào đó của tăng, viên đạn dĩ nhiên có thể xuyên giáp tăng nhưng lại trúng vào các chỗ không quan trọng, không trúng thiết bị gì trong tăng hay thậm chí không trúng tổ lái. Hệ thống vẫn thưởng cho người chơi vì xuyên giáp nên họ được tính điểm hit. Đây là điều thường thấy ở một người chơi non kinh nghiệm vì trước giờ họ đã quen cơ chế chơi "cứ nhè chỗ mỏng nhất mà bắn, bắn từ từ giảm máu nó xuống rồi nó cũng chết" còn vào War Thunder họ lại thốt lên: "thế quái nào nó cứ một hit là mình lên bảng".
- Xuyên giáp trúng chỗ điểm yếu: Một chiếc xe tăng giá hàng ngàn đô la, nặng hàng chục tấn khét tiếng lừng lẫy sẽ thành một đống sắt vụn chỉ bằng một phát bắn trúng chỗ nhược. Các vị trí dễ "tan xác nhất" chính là thùng đạn, kho chứa đạn, hay chết tổ lái là các lý do khiến một chiếc xe tăng thành phế liệu, đôi khi cũng vì hư hỏng nặng mà không có thiết bị sửa chữa cũng khiến tổ lái bỏ tăng (người chơi bấm J để thoát xe) càng tăng cao tính thực tế của Ground Force.
Lựa chọn loại đạn đem vào trận: Việc sản xuất và chế tạo viên đạn sao cho sát thương lớn, khả năng pen khủng đã là việc các nhà khoa học quân sự thời Chiến tranh Thế Giới thứ 2 nghiên cứu và tới nay việc chế tạo các mẫu đạn – pháo chống tăng diệt tăng luôn là việc cần thiết khi đối đầu thiết giáp địch. Trong game cũng vậy, người chơi khi chọn đạn cần lưu ý tới độ xuyên phá mà viên đạn có, lưu ý cũng như sức sát thương viên đạn tạo ra.
Theo đó viên đạn tối ưu nhất là loại đạn có khả năng xuyên được giáp địch và có điểm sát thương cao để tối đa sát thương khi viên đạn xuyên vào trong. Viên đạn pen quá khủng mà khả năng tạo sát thương kém thì cũng như bạn "hit" nhưng không trúng yếu điểm, viên đạn nổ lớn nhưng độ pen kém thì trừ khi bạn dùng những loại súng như khẩu 152 mm trở lên với sức nổ ngang ngửa một quả bom 50 kg may ra gây sốc chết tổ lái, còn lại bắn vào giáp dày cứ như "phủi bụi" dùm chúng bằng thuốc nổ.