Bên cạnh những ứng dụng chất lượng thì cũng có những ứng dụng "vớ vẩn" chằng có ích lợi gì mà còn gây hao tốn tài nguyên máy, hãy cùng điểm qua 5 loại ứng dụng sau đây để "cạch mặt" chúng ra nhé.
1. Ứng dụng giúp tăng tốc điện thoại
Khi sử dụng Facebook, bạn dễ dàng thấy những quảng cáo với nội dung rất hấp dẫn như "tăng tốc cho điện thoại", "dọn dung lượng lưu trữ",...chúng đánh vào các nhu cầu thiết yếu của người dùng smartphone, muốn cho điện thoại chạy nhanh hơn. Bên cạnh đó, các ứng dụng này còn được cung cấp "miễn phí" làm cho người dùng dễ dàng bị "dính bẫy". Các ứng dụng dạng này có rất nhiều, tuy nhiên thực chất chúng chỉ làm cho điện thoại chúng ta chậm hơn mà thôi. Hệ điều hành cần một số ứng dụng luôn luôn chạy ngầm để hoạt động, nếu ứng dụng dọn dẹp tắt các ứng dụng này đi thì ngay lập tức hệ thống sẽ khởi động chúng lại, gây hao pin và chậm máy hơn. Ngoài ra, một số ứng dụng còn làm điện thoại chúng ta chậm hơn, sau đó tăng tốc trở lại, thực chất chúng không có tác dụng gì cả.
2. Ứng dụng giúp điện thoại sạc nhanh hơn
Hiện nay, trên CH Play có rất nhiều ứng dụng với tên sạc pin nhanh, tăng tốc sạc pin gấp 5-10 lần,... Nhưng chúng ta cần biết nếu một chiếc điện thoại muốn sạc pin nhanh hơn, thường phải được nhà sản xuất trang bị một công nghệ sạc pin nhanh, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Bởi vậy, nếu như các bạn chỉ cài các phần mềm tăng tốc sạc pin mà không có một phần cứng hỗ trợ sạc nhanh thì cũng vô ích mà thôi. Cuối cùng, nếu các bạn muốn sạc pin cho chiếc điện thoại của mình nhanh hơn mà chiếc điện thoại không có tính năng này, thì tốt nhất các bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại trong lúc sạc và nếu được hãy chuyển điện thoại về chế độ máy bay.
3. Ứng dụng phát hiện tiền giả
Cách hoạt động của ứng dụng này là chụp lại hình ảnh của tờ tiền bằng camera của máy, sau đó ứng dụng sẽ phân tích xem tiền thật hay giả. Tuy nhiên, đây chỉ là ứng dụng lừa những người "nhẹ dạ cả tin" mà thôi. So với mắt thường của chúng ta, việc phát hiện một tờ tiền thật hay giả còn chưa dám chắc, còn với một "con mắt" camera của điện thoại, để soi được tiền giả là điều hết sức vô lý. Ngoài ra, khi mình có cài thử một vài ứng dụng phát hiện tiền giả này thì ứng dụng xuất hiện quảng cáo liên tục. Theo mình, đây là một trong nhiều ứng dụng các bạn không nên cài vào máy.
4. Ứng dụng Hack mật khẩu Wifi
Nếu như mật khẩu wifi dễ dàng bị hack được bằng một ứng dụng ai cũng có thể cài vào máy, mọi người trong chúng ta đều có thể trở thành hacker, thì trên đời này còn ai đặt pass wifi để làm gì nữa. Mình có cài thử một vài ứng dụng thì các ứng dụng này chỉ trả về những "mật khẩu" linh tinh không hề chính xác, ngoài ra ứng dụng còn xuất hiện quảng cáo "mọi lúc, mọi nơi". Các ứng dụng này chỉ làm phí thời gian của chúng ta mà thôi mà không có bất kì một tác dụng nào.
5. Vuốt tay qua cảm biến để mở khoá
Các ứng dụng này thường yêu cầu cảm biến của điện thoại hoạt động liên tục để phát hiện ra lúc nào tay chúng ta vuốt qua. Điều này khiến "ngốn" pin của máy rất nhiều mà tác dụng mang đến lại không đáng kể. Hiện nay, một số nhà sản xuất cung cấp sẵn cho chúng ta một số cách mở màn hình không cần dùng nút nguồn như: chạm 2 lần vào màn hình để mở khoá, chạm vào cảm biến vân tay,... tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
Một ứng dụng khi cài vào máy và sử dụng chúng ta cần nên tìm hiểu về nó trước, đừng nên tin vào những quảng cáo "mỹ miều" của nhà phát hành, chúng ta sẽ biến thành những con lừa bị dắt mũi.