Cuối cùng thì Hollywood cũng đã có được một đối thủ không chỉ xứng tầm mà còn chứng minh được bản thân hoàn toàn có thể vượt qua môn nghệ thuật thứ 7, đó chính là làng game.
Với doanh thu hơn 100 tỷ USD của ngành game thì rõ ràng con số 10,8 tỷ USD của kinh đô điện ảnh Mỹ sẽ chỉ là một con số nhỏ nhoi. Và chỉ chừng đó đã chứng tỏ được sức hút và tầm quan trọng của game trên bản đồ công nghiệp giải trí toàn cầu như hiện nay. Với những sản phẩm được đầu tư một cách kỹ lưỡng cả về nội dung, cốt truyện và nhân vật, game đã trở thành một trong những công cụ để truyền tải những thông điệp sâu sắc đến người chơi.
Khó có thể phủ nhận những điều thú vị khi thưởng thức một bộ phim, hay một cuốn sách. Bởi với cuốn sách bạn có thể tự tưởng tượng ra thế giới của chúng và chìm đắm vào câu chuyện được nhà văn sáng tạo ra. Trong khi đó những bộ phim thì hoàn thành giúp bạn phần tưởng tượng. Song tất cả những gì cần làm chỉ là ngồi yên một chỗ và theo dõi câu chuyện mà đạo diễn và các diễn viên đem tới cho khán giả.
Song game lại là một thái cực hoàn toàn khác, tại đây chính bạn sẽ sống trong câu chuyện đó chứ không còn chỉ đơn thuần thưởng thức chúng ở ngôi thứ ba nữa. Theo đó bạn được tự tay điều khiển nhân vật, giải quyết những vấn đề và từ đó dần khám phá ra câu truyện được các nhà phát triển kỳ công tạo dựng, bên cạnh những hiệu ứng hình ảnh ngày càng chân thực.
Từ xưa, việc tự mình đắm chìm trong một câu chuyện cụ thể của game đã khiến bao game thủ lão thành phải thổn thức. Điều kỳ diệu này thậm chí còn đến trước cả khi những thành tựu của đồ họa 3D kịp bùng nổ và tạo ra làn sóng ảnh hưởng đến cả những thước phim bom tấn.
Những người có điều kiện tiếp xúc sớm với chiếc máy tính vào những năm 80 của thế kỷ trước được thả hồn vào không ít những cái tên như Rogue hay Wizardry: Proving Grounds of the Mad Overlord. Những hình ảnh được dựng vô cùng thô sơ bằng những ký tự ASCII nhưng khiến người chơi thưởng thức hàng giờ liên tục chỉ để đưa ra lựa chọn cũng như khám phá cốt truyện của game. Và những cỗ máy console đầu tiên được ra đời. Đến lúc này, người Nhật mới chứng tỏ được khả năng của mình qua những cái tên đỉnh cao đi vào lịch sử như Final Fantasy hay Dragon Quest. Đồ họa khi đó vẫn chưa phải thứ đáng lưu tâm, mà điều quan trọng với mọi game thủ hâm mộ chính là cốt truyện.
Giai đoạn bùng nổ về công nghệ mới chỉ thực sự bắt đầu. Những engine game ngày càng trở nên lung linh, đa sắc hơn, và chúng cũng trở thành món vũ khí tuyệt vời để các nhà làm game thả sức sáng tạo nên những tác phẩm mang cả ấn tượng đồ họa, chiều sâu trong lối chơi cũng như cốt truyện xứng đáng vượt qua những bom tấn điện ảnh.