Tiêu điểm của tháng 1 vừa qua là sự xuất hiện của một loạt game online đặc sắc, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo cho một loạt tên tuổi sản phẩm đóng cửa tại Việt Nam.
Thời gian qua, trung bình một tháng, làng game Việt chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của khoảng chục webgame online mới. Tuy mang tiếng game mới nhưng những sản phẩm này đều có nội dung và gameplay khá tương đồng và chưa có nhiều đột phá so với các sản phẩm trước.
Nội dung nhạt và thiếu chiều sâu
Nhạt ở đây chính là dư vị cũ kỹ của những game tiên hiệp Trung Hoa, kiếm hiệp Tam Quốc vốn đã quen thuộc trong nhiều năm qua vẫn được nhà phát hành tận thu đem về Việt Nam với hi vọng “sản phẩm bom tấn đột phá”. Thế nhưng sự tương đồng na ná nhau về lối chơi, cùng cách thức auto, click chuột nhàm chán khiến cho nhiều game thủ không còn mặn mà nhiều với hai chữ “webgame”.
Trải qua thời gian phát triển, công nghệ số đưa webgame lên một tầm cao mới, một số sản phẩm có hình ảnh đồ họa cực kỳ đẹp mắt. Thậm chí vượt trội hơn cả bản game client ra mắt tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên hình ảnh đẹp mắt là một chuyện, các biểu cảm hình ảnh nội dung có tinh tế, mang lại trải nghiệm chân thực hay không lại là chuyện khác.
Một số webgame kiếm hiệp hay sử dụng hình ảnh quá màu mè, thậm chí là khoa trương
Thị hiếu game Việt và Trung Quốc là hoàn toàn khác biệt nhau
Vẫn có một số người cho rằng Việt Nam là sân sau của các nhà phát Trung Quốc, tuy nhiên thị hiếu nhu cầu của game thủ lại hoàn toàn khác biệt nhau. Nói một cách dễ hiểu, ở một quốc gia có dân số đông nhất thế giới (1 tỷ 350) bị cách biệt hoàn toàn với những tựa game bom tấn nước ngoài, cắt đứng thông tin với google và facebook thì việc chọn lựa những webgame nguồn gốc nội địa là điều hiển nhiên.
Nên nhiều game mang lại lợi nhuận khủng, với số lượng người chơi đông đảo ở nước bạn cũng chưa hẳn đã đắt khách tại thị trường Việt Nam.
Loạt webgame đóng cửa tại Việt Nam là một minh chứng dễ hiểu
Nhà phát hành quay lưng với cộng đồng game thủ
Sự kiện gần đây nhất là webgame Vua Hải Tặc sử dụng cách “kích cầu” đổ tiền vào các tài khoản ảo, tạo sức ép cạnh tranh giữa những gamer với nhau. Điều này vô tình bị nhiều người phát giác, đấu tố sự can thiệp quá sâu của nhà phát hành game5 gây mất công bằng cho loạt game thủ, chưa kể cảm giác bị phản bội khi nhiều người tưởng chừng là đồng đội lại là “chân gỗ” nội gián bên trong.
Các ý kiến đóng góp, chia sẻ trên diễn đàn mang tính “uy hiếp” tới thanh danh NPH đều bị xóa không còn dấu vết, càng làm nhiều game thủ bức xúc trước thái độ thiếu chuyên nghiệp của game5. Dù rằng yêu cầu doanh thu là điều kiện cần và đủ để một game có thể sống lâu tại thị trường, nhưng cách hành xử không đẹp lại khiến cho người chơi quay lưng, không còn niềm tin với game Việt. Hệ lụy này có thể dẫn tới việc game thủ sẵn sàng bỏ tiền để chơi những sản phẩm có uy tín từ nước ngoài.
Chính những điều này đã làm webgame online dần trở thành nỗi ám ảnh của game thủ. Nhiều “thực khách” còn cho rằng đây là thể loại game… rác cần tránh né hay thậm chí không màn. Những tin tức giới thiệu webgame mới luôn xuất hiện hàng loạt ý kiến ném đá của game thủ đại loại như: “lại mang thêm rác về à”, “tẩy chay webgame Tàu” hay “nhìn webgame là phát chán rồi, chơi gì nữa”…
Bi quan hơn khi có sản phẩm game có chất lượng tốt vừa phát hành trên thị trường lại bị người chơi quay lưng, lọt vào vòng lẩn quẩn của việc doanh số thấp – đóng cửa game.