Mặc dù có khối lượng công việc nhẹ nhàng hơn nhiều thể loại game khác, nhưng không vì vậy mà Tower Defense bị đánh giá là dễ gây nhàm chán.
Thời gian gần đây, làng game online nước nhà đang bắt đầu nổi lên nhiều trò chơi thuộc thể loại Tower Defense (TD) hay có phong cách tương tự như thế. Đối với những ai trước nay chỉ gắn bó với game online thì đây có vẻ là một chủ đề khá lạ lẫm, nhưng nếu đã từng trải qua thời kỳ đầu của game PC tại Việt Nam thì bạn sẽ nhận ra rằng: TD đang là lựa chọn đầy tiềm năng cho các NPH, đặc biệt là ở phân khúc gMO vì nó là thể loại rất dễ gây nghiện và phút hợp với mọi lứa tuổi.
Tại Việt Nam, TD được gọi với nhiều tên khác nhau như thủ thành, thủ trụ, xây trụ,…Tựu chung, công việc mà game thủ cần thực hiện ở các game này là lựa chọn những loại lính, trụ hoặc súng ống (tùy theo bối cảnh) và sắp xếp vào các vị trí trên bản đồ, sao cho chúng có thể bắn hạ hết đám lính đang tràn vào cứ điểm của mình. Sự biến hóa về mặt nội dung đã làm cho TD có nhiều tùy chọn về trụ cũng như mục tiêu cần bảo vệ, đó sẽ là một lâu đài, một trại lính hay chỉ đơn giản là căn nhà mà mình đang sống.
Quay ngược dòng lịch sử, thể loại TD đã xuất hiện từ rất sớm với “tổ tông” là Bokosuka Wars (ra mắt năm 1983), nhưng lối chơi khi đó khá ngược đời: bạn phải tấn công vào lâu đài kẻ thù bằng cách tránh né và hạ gục các tháp canh. Đến năm 1990, Rampart của Atari đã bắt đầu định hình khái niệm xây trụ phòng thủ cho game thủ. Tuy nhiên, do lối chơi thụ động khi so sánh với những sản phẩm lúc bấy giờ nên game chưa thể tạo được tiếng vang thật sự.
Nhiều năm sau, thể loại TD đã may mắn gặp được “cứu tinh” cho đời mình, đó chính là hãng Blizzard với những tựa RTS đã đi vào huyền thoại như Starcraft, Warcraft II và Warcrafft III. Bằng bộ công cụ tự tạo bản đồ (Map Editor), game thủ sẽ có thể sáng tạo ra rất nhiều chiến trường hấp dẫn khác để rủ rê bạn bè cùng tham gia. Cũng từ đây, TD bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ với rất nhiều bản đồ tự tạo đầy hấp dẫn, mà nổi bật nhất là Green Circle TD.
Đúng như tên gọi, nhiệm vụ của người chơi khi tham gia vào những bản đồ này chỉ đơn giản là xây trụ để chống lại từng đàn quái vật cố gắng tràn vào khu vực thành chính, nơi chúng ta cần bảo vệ bằng mọi giá. Mặc dù đơn giản như vậy nhưng trên thực tế, bản đồ dạng TD chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng giải đáp bởi nó đòi hỏi nhiều yếu tố: lựa chọn trụ, vị trí xây trụ, tính toán nâng cấp hoặc bán trụ và trên hết là đôi tay cũng phải nhanh nhẹn để ứng phó trong những tình huống ngặt nghèo.
Việc sử dụng Map Editor đã giúp người chơi không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề nền tảng, mà có thể sử dụng chính các chi tiết, các cấu trúc hay nhân vật có sẵn trong trò chơi gốc. Ví dụ điển hình nhất là Warcraft III, mặc dù đã thuộc vào hàng “cổ lỗ sĩ” nhưng đây vẫn là nguồn cung cấp bản đồ tự chế phong phú bậc nhất hiện nay. Chỉ cần thay đổi đôi chút về cấu trúc, địa hình hay trụ là bạn đã có một phiên bản TD hoàn toàn mới. Thực tế, nhiều game thủ cũng đã sáng tạo bằng cách sử dụng thêm hình ảnh bên ngoài để thiết kế, ví dụ như các quân bài trong YuGiOh!.
Yếu tố hấp dẫn nhất khi chơi game TD là sự tự do, không chỉ ở việc lựa chọn trụ mà còn là cách bạn xây dựng trụ như thế nào, theo hình dạng nào để triệt tiêu quân địch hiệu quả nhất. Một trong số những chiến thuật được ưa chuộng nhất, đó là tạo hình dàn trụ sao cho thật ngoằn ngoèo, dẫn dắt quân địch phải đi một quãng đường xa hơn để từ đó, tiêu diệt chúng dễ dàng hơn. Về sau, một số game không cho phép xây dựng tự do như thế nữa thì người chơi sẽ chuyển sang phương án khác, ví dụ như tận dụng các khúc cua để tăng khả năng gây sát thương cho trụ.
Ngoài ra giá trị chơi lại của game TD cũng cực kỳ cao. Có thể bạn đã vượt qua được ải này, nhưng luôn muốn thử lại để thử nghiệm những cách xây dựng trụ mới hoặc đơn giản hơn là cố gắng ghi được thành tích cao hơn. Một game TD hay là khi nó không đi theo một công thức cố định nào cho mỗi màn, mà sẽ đặt tất cả vào đôi tay của người chơi. Qua được một màn đã khó, mà đạt kết quả “3 sao” hay tổn hao ít mạng nhất lại càng khó khăn hơn gấp bội. Đây chính là lý do giải thích vì sao một người có thể cắm mặt nhiều tiếng đồng hồ vào màn hình, chỉ để qua màn hay cố gắng tìm ra một thế trận phòng thủ mới hợp lý hơn, ghi điểm cao hơn lần trước.
Sự thành công của TD trên custom map đã tạo cảm hứng để các NSX game phát triển nên những trò chơi độc lập, mà khá nhiều trong số đó đến nay đã trở thành tượng đài cho thể loại này. Đồng thời, bối cảnh trò chơi cũng có sự thay đổi để hấp dẫn hơn, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải là hiệp sĩ thủ thành hay chiến tranh vũ trụ. Đồng thời, người chơi còn có thêm một số việc khác để làm như: điều khiển tướng bắn phụ trụ, mua thêm lính để phòng thủ hoặc sử dụng phép, vật phẩm hỗ trợ,…
Hiện tại, TD nở rộ nhất ở phân khúc game offline và game mobile, tiêu biểu là những cái tên: Plants vs Zombies, Field Runner, Empire Defense, Ninja Tower Defence,…Tuy cùng là thể loại TD, nhưng cốt truyện và hình ảnh, tình tiết ở mỗi trò chơi đều khác nhau nên không tạo cảm giác nhàm chán. Nếu đã hoàn tất game này, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy thử thách mới ở một game khác chứ không trùng lặp đáng sợ như webgame nhập vai ngày nay.
Thêm vào đó, TD sớm được phổ cập trong cộng đồng game thủ là bởi chúng đều có cấu hình rất nhẹ, không đòi hỏi phải nâng cấp máy với linh kiện cao cấp thì mới trải nghiệm được. Chỉ cần vài chục MB ổ cứng và cấu hình máy cho dân văn phòng là bạn đã đủ sức “xù đầu” trong cuộc chiến ngăn chặn đám zombie tấn công vào khu vườn nhà mình. Yêu cầu bình dân là điều được nhiều người dùng yêu thích nhất khi lựa chọn game.
Tuy nhiên, chủ đề TD lại chưa phải là lựa chọn của các NPH game online nước ta. Cứ điểm qua tình hình hiện tại, bạn sẽ thấy rằng số lượng game TD vẫn rất ít ỏi và quy mô cũng nhỏ hẹp không kém, chủ yếu đều hoạt động trên mạng xã hội. Điều này cũng không phải quá khó hiểu bởi theo nhận định của số đông người chơi, game TD không có nhiều tính năng, không PvP khốc liệt và trên hết là không phô diễn được sự nổi bật của nhân vật. Người ta có thể tự hào đi xách một nhân vật với trang bị khủng trên người đi dạo trong thành, nhưng lại cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì khi khoe số điểm đã ghi được trong game TD.
Sự khủng hoảng của game online những năm gần đây sẽ tạo điều kiện cho đề tài TD khẳng định vị thế dễ dàng hơn, nếu như phía NPH chịu đầu tư đúng mức. Khi game thủ đã cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì phải dán mắt vào những trò chơi nhập vai, hành động, âm nhạc, bắn súng, thể thao thì TD tỏ ra là lựa chọn giải trí phù hợp nhờ lối chơi có phần nhẹ nhàng và phù hợp với số đông. Một vòng chơi để giải trí trong thời gian chờ đợi, rảnh rỗi, hoặc trao đổi kinh nghiệm xây dựng, phối hợp quân lính với bạn bè.
Đặc biệt cùng sự bùng nổ của điện thoại thông minh thời gian gần đây thì game TD lại càng có cơ hội phát triển ở mảng gMO. Với lợi thế dễ chơi, nhanh gọn, gây nghiện và không tốn quá nhiều thời gian thì khó có thể loại gMO nào dễ mang lại lợi nhuận lẫn cộng đồng được như TD. Thiết nghĩ, đây là một mảng nội dung rất đáng lưu ý. Dẫu biết để tạo nên một cơn gió đủ mạnh để xua tan sự ủ rũ của làng game Việt không phải là chuyện dễ, nhưng những điều mà TD mang lại hoàn toàn xứng đáng với sự đầu tư nghiêm túc, có lộ trình về lâu dài của các NPH.