Hôm nay, chúng tôi sẽ cùng nói về ‘Lớp Nhân Vật’ và vai trò của nó trong Liên Minh Huyền Thoại.
Lớp nhân vật là một nhóm các tướng có lối chơi tương tự. Ngày trước thì các lớp được phân theo chủ đề thay vì tác dụng thực sự của tướng trong trận. Tuy nhiên, đến giờ thì mọi chuyện đã khác. Chúng tôi quyết định phân loại 130 tướng vào từng lớp riêng. Và thế là chúng tôi thấy mình cần thêm những cái tên khác.
Một số lớp nhân vật, như Pháp Sư và Đấu Sĩ, quá chung chung. Chẳng hạn, cả Darius và Vi đều là Đấu Sĩ nhưng lại rất khác biệt về độ cơ động, sức bền, sát thương đầu ra và vai trò trong giao tranh tổng. Đó là lúc “phân lớp” xuất hiện để giúp chúng tôi làm rõ hơn những khác biệt này.
Nhìn chung, cấu trúc của lớp/phân lớp được thiết kế để: 1.Làm rõ điểm mạnh, điểm yếu của các phân lớp tướng Dù thích hay ghét Dũng Sĩ, bạn cũng biết rằng họ có sức chống chịu cao và gây nhiều sát thương nếu có thể áp sát. Họ gặp khó khăn khi bị thả diều và cấu rỉa từ xa bởi khả năng tiếp cận chậm chạp. Chúng tôi không muốn một thế giới đầy những tướng khắc chế lẫn nhau, nhưng lựa chọn chiến thuật của bạn phải có những tác động nào đó.
2. Tăng chiều sâu chiến thuật của trò chơi, lựa chọn tướng có tác động hơn thay vì chỉ là sở thích cá nhân
Đây là mục tiêu mà cập nhật “nhóm tướng” nhắm đến. Hiểu rõ khi nào cần chọn sức mạnh sát thủ của Xin Zhao hay khả năng khống chế của Vi là một phần quan trọng để học hỏi và làm chủ trò chơi. Chúng tôi muốn mỗi tướng đều có lý do để được sử dụng, ngay cả trong cùng phân lớp.
3. Tạo thuật ngữ chung
Chẳng hạn, nếu một Dũng Sĩ cơ động hơn các đồng nghiệp của mình, người ta có thể hỏi, “Dũng Sĩ không nên cơ động thế, sao tướng này lại được phép làm vậy?” thay vì tự phân tích sức mạnh của một lớp nhân vật theo từng trường hợp một.
Vậy nó trông ra sao? Bảng dưới đây sẽ cho bạn thấy. Nhưng cần ghi nhớ rằng: cấu trúc lớp/phân lớp chỉ để tham khảo chứ không phải những luật lệ nghiêm ngặt.
Lớp |
Phân Lớp |
Đỡ Đòn |
Tiên Phong, Hộ Vệ |
Đấu Sĩ |
Dũng Sĩ, Cảm Tử |
Sát Thủ |
Thích Khách, Hiệp Khách |
Pháp Sư |
Pháp Sư Bùng Nổ, Pháp Sư Hỗn Chiến, Pháp Sư Pháo Kích |
Kiểm Soát |
Thuật Sư, Hoại Sư |
Xạ Thủ |
Xạ Thủ |
Hai điều phải lưu ý: một, lớp và phân lớp hoàn toàn khác với đường và vị trí. Không phải Pháp Sư nào cũng đi đường giữa, và Thuật Sĩ không phải lúc nào cũng chơi hỗ trợ. Hai, xạ thủ không có phân lớp bởi chức năng của họ đều giống nhau (gây sát thương nhiều và liên tục). Cũng có những khác biệt giữa từng xạ thủ nhưng chúng tôi vẫn chưa phân chia rõ ràng vì mục đích thiết kế.
Liệu mọi tướng đều phải nằm hoàn toàn trong một phân lớp không?
Không. Dù thế sẽ dễ dàng cho chúng tôi kiểm soát hơn, nhưng nếu làm vậy, các ngoại lệ mang tính biểu tượng và được yêu mến sẽ mất đi khá nhiều. Ngoài ra, chừng nào các tướng còn có điểm mạnh, điểm yếu rõ ràng, sẽ không cần làm quá chuyện lên. Quả thật, nếu tự đặt mình trong những ranh giới có sẵn, Liên Minh sẽ khó mà phát triển được.
Có nhiều ngoại lệ như đã nói trên lắm:
- Lai – tướng có thể nằm trong hai phân lớp. Ví dụ:
- Varus là tướng lai Xạ Thủ – Pháp Sư Pháo Kích.
- Kayle là tướng lai Xạ Thủ – Thuật Sư.
- Trundle là tướng lai Hộ Vệ – Dũng Sĩ.
- Lối chơi riêng biệt – những tướng có cách tiếp cận trò chơi hoàn toàn độc đáo. Ví dụ:
- Fiddlesticks – nấp ngoài rìa giao tranh, chờ đợi thời cơ hoàn hảo để nhảy vào.
- Singed – đẩy lẻ như điên để tạo áp lực lên dường, buộc nhiều kẻ địch phải đáp trả sau đó trêu đùa khi chúng chật vật đuổi theo.
Chuyện gì xảy ra nếu tướng tôi thích được xếp vào lớp/phân lớp tôi không đồng ý?
Đừng lo, chúng tôi sẽ không làm lại tướng đó luôn đâu. Đa số tướng đều không nằm hoàn toàn trong một phân lớp. Tạo thuật ngữ chung chỉ là để giao tiếp tốt hơn về tình trạng của trò chơi bất kỳ lúc nào. Nếu bạn không đồng ý với lớp/phân lớp của tướng yêu thích, cứ thoải mái tranh luận.
Hãy tìm hiểu cụ thể nhé!
Đỡ Đòn
Chống chịu sát thương và tập trung ngăn kẻ địch trở thành hiểm họa to lớn hơn.
Tiên Phong
Chúng tôi thích gọi họ là “đỡ đòn tấn công” hơn. Tiên Phong dẫn đầu đội xông vào và mở ra giao tranh dữ dội sau đó.
Hộ Vệ
Nếu Tiên Phong là “đỡ đòn tấn công” thì Hộ Vệ chắc chắn là “đỡ đòn phòng ngự.” Họ đánh chắc chắn, tìm cách giữ đội hình bằng cách khống chế bất kỳ kẻ nào định vượt qua. Họ đảm bảo sự an toàn cho đồng đội để thoải mái gây sát thương lên những mục tiêu bị kẹt giữa chiến trận.
Đấu Sĩ
Những tướng cận chiến bền bỉ và gây nhiều sát thương trong trận chiến hỗn loạn.
Dũng Sĩ
Dũng Sĩ là những người khổng lồ có thể nghiền nát mọi kẻ ngốc dám để họ lại gần. Họ vượt trội trong cả gây và chịu sát thương, nhưng khó áp sát mục tiêu do độ cơ động và tầm kỹ năng thấp.
Cảm Tử
Cảm Tử cơ động hơn Dũng Sĩ. Họ vượt trội trong việc tiếp cận mục tiêu và buộc kẻ địch phải đối đầu. Cảm Tử không bền bỉ như Đỡ Đòn hoặc Dũng Sĩ, nhưng họ có thể gây đủ sát thương để tạo thành mối hiểm họa chết người nếu không ai để ý đến.
Sát Thủ
Mỏng manh nhưng gây sát thương không mỏng chút nào, họ là những tướng cận chiến tìm cách hạ gục mục tiêu càng nhanh càng tốt.
Thích Khách
Thích Khách chuyên xâm nhập hàng ngũ địch bằng sức cơ động vô bì và nhanh chóng kết liễu mục tiêu ưu tiên. Vốn là tướng cận chiến, Thích Khách phải đặt mình vào vị trí nguy hiểm để tiếp cận mục tiêu. May là họ cũng có vài con bài thoát thân mà, nếu dùng hợp lý, sẽ giúp họ né được mọi sát thương sắp tới.
Hiệp Khách
Không giống Thích Khách, Hiệp Khách nhắm đến việc chém bay bất kỳ kẻ địch nào lại gần. Hiệp Khách thiếu khả năng dồn sát thương hoặc áp sát mục tiêu ưu tiên, nhưng họ có nhưng công cụ phòng thủ mạnh mẽ để sống sót, cũng như lượng sát thương kéo dài để hạ gục cả những mục tiêu bền bỉ nhất.
Pháp Sư
Những tướng dùng phép theo hướng tấn công để khống chế và thổi bay đối thủ với những kỹ năng của mình.
Pháp Sư Bùng Nổ
Pháp Sư Bùng Nổ nhắm đến việc hạ gục một mục tiêu đơn lẻ khi khóa chân đối thủ và dồn sát thương từ xa. Pháp Sư Bùng Nổ gặp khó khăn với tướng có độ chống chịu cao có thể sống sót qua chuỗi chiêu của họ.
Pháp Sư Hỗn Chiến
Pháp Sư Hỗn Chiến đứng giữa chiến trận, tìm cách gieo rắc sự tàn phá lên toàn đội địch với lượng sát thương diện rộng khủng khiếp. Với tầm sử dụng thấp và cần thiêu đốt kẻ địch từ từ, Pháp Sư Hỗn Chiến có khả năng phòng ngự tương đối.
Pháp Sư Pháo Kích
Pháp Sư Pháo Kích có thể cấu rỉa đối phương từ rất xa. Đổi lại, họ gần như cầm chắc cái chết khi kẻ địch áp sát thành công, bởi họ cực kỳ mỏng manh và kém cơ động.
Kiểm Soát
Những tướng dùng phép theo hướng phòng thủ kiểm soát chiến trường bằng cách bảo vệ và mở ra cơ hội cho đồng minh.
Thuật Sư
Thuật Sư tập trung vào việc tăng hiệu quả của đồng minh bằng cách trực tiếp cường hóa và bảo vệ họ khỏi mọi mối đe dọa. Thuật Sư khá mỏng manh và gây tương đối ít sát thương, đồng nghĩa với việc họ chỉ thực sự tỏa sáng khi đi cùng người khác.
Hoại Sư
Hoại Sư tập trung vào khóa cứng đối thủ hoặc, đôi khi, toàn bộ chiến trường khi tạo ra những vùng nguy hiểm mà chỉ kẻ nào ngốc mới dám đi qua. Dù không bằng Thuật Sư, Hoại Sư vẫn hưởng lợi rất lớn từ đồng minh – vừa phát hiện nguy hiểm sát tới vừa giúp hạ gục mục tiêu bị khống chế.
Xạ Thủ
Xạ Thủ gây sát thương liên tục từ tầm xa (thường là bằng đòn đánh thường) và đừng ngoài rìa nguy hiểm. Họ rất mỏng manh và dựa nhiều vào trang bị để trở thành mối đe dọa thực sự. Hiện tại chưa có phân lớp cho xạ thủ, dù vẫn tồn tại một số cách phân chia (cơ động – kém cơ động, dùng kỹ năng – đánh thường), rốt cuộc thì mọi Xạ Thủ đều có vai trò tương tự nhau trong đội thôi.
Tướng yêu thích của tôi nằm ở đâu?
Giống như trò chơi, hiểu biết của chúng tôi về lớp/phân lớp và mỗi tướng thay đổi và phát triển không ngừng theo thời gian. Không có gì dừng mãi ở một chỗ cả. Quan điểm về lớp/phân lớp của tướng hiện tại có thể sẽ thay đổi trong tương lai.