Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân khiến máy chủ Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam chưa thể phát triển như bạn bè thế giới.
Trên thế giới, số lượng máy chủ Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) tương đối nhiều. Dù lớn hay bé, các máy chủ đó luôn có những biện pháp giúp các game thủ có thể phát triển được tài năng của bản thân. Tuy nhiên, không đâu như server Việt Nam khi chất lượng ngày càng đi xuống, văn hóa thô tục, tình trạng afk, quitter,… không ngừng gia tăng.
Sự tự mãn của các game thủ
Đây là đức tính xấu không chỉ ở các game thủ Việt Nam mà có cả trên toàn thế giới. Tất nhiên, ai cũng có lòng tự trọng nhất định, không muốn người khác động chạm đến mình. Chơi game ai cũng có ván thăng hoa, ván dở tệ, những giây phút đỉnh cao hoặc tệ hại. Nhưng các game thủ thường xuyên nhìn vào mặt xấu của nhau và vung lời khó chịu. Sau đó, những người bị đồng đội ném đá quay sang troll hay afk thì trận đấu coi như đã kết thúc.
Dẫu biết ai cũng có quyền tự mãn nhưng nên có độ dừng của nó. Kể cả những người chơi tài giỏi như Doublelift, Imp, Dade, Wicked,… cũng rất tự tin với những phát ngôn của mình. Nhưng các game thủ nên tự nhìn lại bản thân trước khi phán xét người khác. Đó là yếu tố quan trọng để tiến bộ và nhận được sự tôn trọng của đồng đội. Với người nước ngoài, khi họ mắc lỗi, họ sẽ nói rằng: “Xin lỗi, ván này tôi đánh dở quá”, như vậy sẽ không có bất cứ lời phàn nàn nào từ đồng đội.
Độ đa dạng của lứa tuổi chơi game
Ở Việt Nam, không game MOBA nào có độ đa dạng về lứa tuổi chơi như LMHT. Khi bước vào những quán net, mọi người sẽ không bất ngờ gì về đứa trẻ ngồi ghế chân không chạm đất ngồi dán mắt vào màn hình chơi LMHT. Những câu chửi tục ở miệng, những dòng chat có ý mắng nhiếc đồng đội xảy ra mỗi khi cả bản thân hoặc đồng đội chơi tệ. Có thể các em chưa nhận rõ được ý thức văn hóa tập thể nhưng đó cũng là vấn đề tương đối nan giải ở máy chủ Việt Nam.
Hầu hết các kinh nghiệm của đàn anh khi đánh xếp hạng phải tránh xa thứ bảy và chủ nhật. Vào khoảng thời gian này, máy chủ Việt Nam luôn trong tình trạng hàng chờ vì các em được nghỉ học.
Độ trẻ trâu của người chơi
Chơi game không phải là xấu, nếu chơi có kế hoạch cụ thể thì đó mới là có ích. Tuy nhiên ở Việt Nam, số người chơi game mà thiên về mặt tốt chỉ là bộ phận nhỏ. Phần còn lại, các game thủ thường là người không đi học hoặc đi học với danh hiệu “học sinh cá biệt”. Vì vậy, nhiều thanh niên, học sinh trở nên bất cần, thiếu ý thức trong việc xây dựng văn hóa cộng đồng mạng. Từ đó, các game thủ thường xuyên buông lời tục tĩu, chửi bới,… dẫn tới hiện tượng troll hoặc afk trong game. Đây là hiện tượng đáng buồn.
Sự thiếu kiên nhẫn trong tính cách
Game MOBA nào cũng vậy, các NPH luôn tìm tòi và sáng tạo ra những vị tướng có “chất” rất riêng biệt. Có những vị tướng thiên về sát thương hoặc hỗ trợ, thiên về giao tranh đơn lẻ hoặc giao tranh tổng, lại có những tướng mạnh về đầu trận hoặc cuối trận.
Tuy nhiên, các game thủ thường nản khi sự chênh lệch giữa 2 đội chưa đáng kể mặc dù trong tay mình cầm những vị tướng giao tranh tổng hoặc tỏa sáng về giai đoạn cuối trận. Chính vì thế, khi thua quá nhiều, những người chơi thường mất hết tinh thần dẫn tới tình huống thua khi chưa đến giờ đầu hàng.
Ngoài ra, còn một biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn chính là máu me ăn thua. Khi thua đường hoặc bị chết một số mạng, người chơi thường thiếu đi tính toán và kiểm soát dẫn tới những tình huống khô máu. Đã thua thiệt lại càng thua, coi như một đường của đồng đội đã bị nát. Khi rừng lên cố cứu đường, nếu bị phản gank là xác định nát thêm hoặc bị kéo team thì đồng đội ở đường khác sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Văn hóa chơi game ở Việt Nam còn kém
Đây là sự thật không thể chối cãi. Hễ là dân chơi game, ít nhất phải chửi tục thì mới hả giận, sau đó thành quen miệng. Gần như trong một trận đấu LMHT cũng có ít nhất vài đoạn hội thoại chửi bới lẫn nhau. Người này ảnh hưởng đến người khác, nhất là những game thủ nhí còn đang đi học. Tóm lại, để thay đổi được môi trường chơi game rất khó, thậm chí là không thể.