Để có thể làm được điều này, Riot Games đã có những phương thức riêng và rất thú vị mà đến tận bây giờ họ mới công bố.
Như trong bao tựa game khác, Liên Minh Huyền Thoại luôn phải đối mặt với tình trạng một số người chơi gian lận, sử dụng hack/cheat. Điều này buộc Riot Game, đơn vị phát triển Liên Minh Huyền Thoại, phải có những biện pháp, phương thức nhằm loại bỏ những người chơi xấu tính kể trên.
Quá trình và phương thức phát hiện, ngăn chặn gian lận, hack/cheat trong game thường được các nhà phát triển giấu kín bởi nếu công khai ra những kẻ viết phần mềm gian lận sẽ tìm ra phương thức để gian lận hiệu quả hơn trong tương lai. Tuy nhiên, gần đây Riot đã quyết định chia sẻ một số thông tin bảo mật cao về cách họ phát hiện ra người chơi gian lận. Trong số đó, để bot đánh với bot (máy đánh với máy) là phương thức thú vị nhất.
Riot chia game thủ gian lận thành ba loại:
- Scripters - những người sử dụng phần mềm thứ ba can thiệp vào game để tự động hóa một số hành động như né kỹ năng của đối thủ hoặc dùng kỹ năng của tướng họ đang sử dụng một cách chính xác, đối thủ không thể né được.
- Boosters - những người mua tài khoản có bậc xếp hạng cao hoặc thuê người chơi hộ lên mức hạng cao hơn so với trình độ thật của họ (gọi tắt là cày thuê).
- Botters - những người sử dụng phần mềm giúp lên cấp nhanh hơn.
Và để chống lại những người chơi xấu tính này, Riot đã thành lập một đội chống hack/cheat bao gồm các nhà phân tích, chuyên gia phân tích dữ liệu và thậm chí cả những người đã từng viết phần mềm hack/cheat. Những nhân viên này sẽ kết hợp với nhau để tìm ra cách phát hiện, ngăn chặn và trừng phạt các hành vi gian lận.
Mỗi loại gian lận lại đặt ra cho Riot game những thách thức khác nhau. Ví dụ, trong trường hợp của Scripters, Riot phải tìm cách phân biệt giữa kiểu di chuyển, chơi game bình thường của con người với những gì do phần mềm tạo ra. Đồng thời, Riot cũng tính tới việc kẻ xấu cố tình làm chậm, giảm mức độ chính xác của phần mềm hack/cheat để giống cách chơi của con người. Hầu hết Scripters không làm giảm độ chính xác hoặc tốc độ của phần mềm - chỉ có 7% chọn phương thức tinh vi này - và trung bình 5,1 tài khoản bị khóa trước khi những người chơi gian lận quyết định xóa game.
Trong trường hợp của Boosters, Riot sẽ cố gắng xác định xem giữa thứ hạng của người chơi với kỹ năng của họ có khoảng cách đáng kể nào hay không. "Chúng tôi đã áp dụng một thuật toán vào cuối muỗi mùa giải và sẽ thu hồi phần thưởng xếp hạng của những người chơi không xứng đáng", Riot tuyên bố.
Để bot đánh với bot là phương thức phát hiện hack/cheat thú vị nhất mà Riot tạo ra. "Chúng tôi có một vài anh chàng kỹ sư với học vị Tiến sĩ và họ đã phát triển các mô hình máy giúp phân biệt người chơi giữa các hành động được thực hiện bởi phần mềm gian lận", Riot viết.
Mặc dù theo Riot, trận chiến giữa họ và những người chơi gian lận vẫn còn tiếp diễn nhưng những con số được công bố cũng khá ấn tượng. "Chúng tôi đã khóa hơn 7 triệu tài khoản trong ba năm qua, 5 triệu tài khoản được khóa bởi Tencent ở Trung Quốc", Riot tuyên bố. Khi nói về gian lận, Trung Quốc luôn là khu vực dẫn đầu. Thậm chí, gần đây Riot đã phải tham dự một boot camp ở Thâm Quyến để tìm ra các phương thức mới chống gian lận tại Trung Quốc.
"Hiện tại, trung bình cứ 400 trận xếp hạng mới có một trận xuất hiện người chơi hack/cheat", Riot chia sẻ.