Người dùng của các nền tảng chơi game Xbox One, PS4 và PC có thể cùng chơi game với nhau thông qua ứng dụng mới của Microsoft.
Xbox One, PS4 và PC là những nền tảng chơi game phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên chúng độc lập với nhau và không có sự tương tác qua lại nào khi chơi game. Microsoft vừa chính thức công bố tính năng gọi là ‘cross-network play’ (chơi qua mạng), cho phép những ai đang sở hữu Xbox One, PS4 hay PC đều có thể trải nghiệm trò chơi cùng nhau. Các nhà phát triển trò chơi cho Xbox One và Windows 10 có thể sẽ hỗ trợ tính năng này, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi có sự hợp tác từ phía Sony cũng như một số bên liên quan. Rocket League sẽ là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ tính năng chơi qua mạng, và Microsoft cũng khuyến khích các nhà sản xuất khác tham gia, hay cụ thể nhất không ai khác chính là đối thủ đến từ Nhật Bản - Sony.
Nếu các nhà làm game và nhà sản xuất console đều ủng hộ ‘cross-network play’, điều đó chắc chắn sẽ giúp định hình lại thế giới trò chơi trong tương lai. Hiện nay, game thủ sở hữu máy console đang bị một số hạn chế nhất định để có thể chơi các tựa game trên PlayStation Network hay Xbox Live. Mặt khác, nhiều người cũng ra quyết định mua một chiếc Xbox One hay PS4, dựa trên thiết bị mà bạn bè họ đã mua. Mở ra tính năng chơi trực tuyến trên các nền tảng khác nhau sẽ loại bỏ hạn chế lớn nhất đối với console, đồng thời giúp những game thủ PC và console xích lại gần nhau hơn.
Sony hiện đã đáp lại nhã ý của Microsoft, họ cho rằng: “PlayStation đã hỗ trợ chơi game đa nền tảng với máy tính ở một số phần mềm trước đây, bắt đầu với Final Fantasy 11 trên PS2 và PC vào năm 2002. Chúng tôi sẽ rất sẵn lòng để gặp gỡ bất kỳ nhà phát hành hoặc nhà phát triển nào quan tâm đến nền tảng chơi game chéo”, GameSpot dẫn lời Sony trong một tuyên bố.
Vấn đề đặt ra là chuột và bàn phím sẽ tỏ ra lợi thế hơn so với tay cầm trong một số loại game mà đặc biệt là bắn súng. Vì vậy, có thể xem đây là thách thức mới mà các nhà phát triển trò chơi phải vượt qua, nhằm tạo tính công bằng cho người chơi trực tuyến.