Được biết đến như là “ông trùm” game trực tuyến tại Đông Nam Á, Asiasoft đã phải trải qua rất nhiều gian truân trong những ngày đầu mới bước chân vào nghiệp kinh doanh.
Asiasoft ngày nay được biết đến như là một trong những công ty game thành công nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á, một nhà phát hành game online đang sở hữu trong tay đến 120 triệu thành viên. Nhắc đến Asiasoft là nhắc đến những trò chơi vô cùng hấp dẫn như Audition, MapleStory tại Singapore và Malaysia hay Ragnarok Online tại Thái Lan, Gunbound và TS Online ở Việt Nam. Mặc dù phân khúc game mobile của Asiasoft chưa đạt được thành công vang dội như mảng PC song nó cũng cho thấy tập đoàn này luôn biết nắm bắt thị hiếu của người dùng để từ đó, lựa chọn và mang đến cho họ những sản phẩm chất lượng nhất. Tuy nhiên không nhiều người biết rằng ở giai đoạn sơ khai của mình, Asiasoft không hề có mục tiêu trở thành “đầu tàu” trong ngành game trực tuyến như hiện nay!
“Khi đó chúng tôi chỉ cố gắng kiếm sống mà thôi”, ông Pramoth Sudjtporn, giám đốc điều hành và phó chủ tịch tập đoàn Asiasoft chia sẻ khi được hỏi vì sao mình cùng với 2 người đồng sáng lập, Sherman Tan và Lertchai Kanpai quyết định khởi nghiệp bằng trò chơi điện tử.
Quay trở lại năm 1998, chỉ một thời gian ngắn sau cơn khủng hoảng kinh tế năm 1997 và khi ấy tình trạng thất nghiệp vô cùng trầm trọng. Các công ty liên tục phải cắt giảm nhân sự, thậm chí có người còn phải chịu cảnh nợ lương nhiều tháng liền. Giữa cảnh khó khăn này, 3 chàng trai đã cùng nhau lập nên BM Media - một nhà phân phối các trò chơi điện tử giáo dục. Và tuy là cũng khá có tiềm năng trên thị trường, nhưng BM Media vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh nền kinh tế lúc bấy giờ.
Ông Pramoth Sudjtporn.
1998 cũng là thời điểm mà vấn nạn vi phạm bản quyền bùng nổ tại Đông Nam Á. Nhưng Sudjitporn cùng các cộng sự vẫn quyết tâm nắm bắt cơ hội này. Giải pháp đầu tiên được họ đưa ra là làm giảm giá thành của các trò chơi bằng cách bản địa hóa chúng, đồng thời bảo đảm rằng nó sẽ không bị rò rỉ sang những khu vực khác. Nhưng cách làm này không thể duy trì lâu, khi mà bản thân thị trường trò chơi điện tử bắt đầu có sự xoay chuyển mạnh mẽ.
“Công nghệ đã thay đổi. Và người dùng sẽ cảm thấy thú vị hơn khi họ có thể chơi game thông qua mạng internet, nơi họ sẽ được gặp gỡ với rất nhiều người chơi khác. Quá trình giao tiếp được đẩy mạnh sẽ kéo theo tính cộng đồng phát triển ngày một nhanh, và như vậy thì tính cạnh tranh cũng cao hơn” - ông Sudjitporn cho biết.
Chính vì vậy công ty của Sudjitporn đã một lần nữa thay đổi vào năm 2001. Không chỉ cung cấp những trò chơi trực tuyến, họ còn duy trì hoạt động của chúng trên chính dịch vụ server do mình quản lý – nhằm chống lại vấn nạn vi phạm bản quyền một cách hiệu quả hơn. “Khi bạn nhìn và dịch vụ trực tuyến hay kinh doanh internet, bạn sẽ thấy rằng chúng không hề có ranh giới, không hề có lãnh thổ hay vị trí địa lý nào” - Sudjitporn giải thích.
Lúc này ông và các đồng sự tin rằng thị trường trò chơi điện tử trên PC ở khu vực Đông Nam Á sẽ sớm “đủ lông đủ cánh” để bước lên một giai đoạn mới. Tuy nhiên dưới góc độ của một doanh nhân, Sudjitporn cũng nhận ra rằng nếu chỉ tập trung vào phát hành các game miễn phí thì sẽ rất khó để làm nên sự đột phá. Vì vậy họ đã có bước đi đầy táo bạo là thương thảo với Blizzard Entertainment để giành quyền phát hành World of Warcraft, ông hoàng ở thể loại MMORPG tại khu vực này. Thật may mắn là quá trình tiếp cận Blizzard diễn ra rất suôn sẻ, bởi đằng đó chính là Davidson & Associates – đơn vị từng có thâm niên trong việc phát hành game giáo dục và đồng thời cũng là một khách hàng của BM Media.
Sau giai đoạn này, Asiasoft đã sẵn sàng để đưa hoạt động kinh doanh của mình vượt ra khỏi lãnh thổ Thái Lan. Và bản thân Sudjitporn không cảm thấy quá lo lắng, ông chia sẻ: “Tôi nghĩ công việc kinh doanh cũng sẽ thuận lợi ở các nước khác thôi. Chúng tôi tự tin rằng mình hoàn toàn có thể sử dụng những kinh nghiệm đã có ở Thái Lan để tạo dựng bước khởi đầu tốt đẹp khi đặt chân đến các quốc gia còn lại”.
Vào năm 2004, Asiasoft bắt đầu lấn sân sang Singapore, Việt Nam,...với tư cách công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân Asiasoft Online (Asiasoft Online Ptd Ltd, còn ở Việt Nam gọi là Châu Á Mềm) khởi đầu với khoảng từ 20 đến 30 nhân viên và con số này nhanh chóng tăng lên thành 100, 200 rồi sau đó là 300. Ngày nay Asiasoft có tổng cộng 6 văn phòng đại diện với gần 1000 nhân viên.
Nhưng không phải tất cả mọi chuyện đều dễ dàng. Khó khăn về cơ sở hạ tầng và vi phạm bản quyền chính là 2 thử thách lớn mà Asiasoft luôn phải sẵn sàng để đối mặt. Khi đó Singapora là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu kết nối băng thông rộng. Trong khi tại Thái Lan, Việt Nam,...thì người dùng phải rất chật vật với những đường truyền 56kbps. Rõ ràng cơ sở hạ tầng là vấn đề vượt ra khỏi tầm tay của Asiasoft và rất khó để thay đổi điều đó chỉ trong một sớm một chiều.
Điều đáng mừng là cho dù đường truyền kém như vậy, nhưng giới game thủ hoàn toàn không ngại ngần tiếp cận với các trò chơi trực tuyến. Bằng cách xây dựng hệ thống mạng LAN để cung cấp môi trường thi đấu rộng lớn hơn cho những game như Counter-Strike, các tiệm cybercafe vừa không phải tiêu tốn nhiều chi phí mà vẫn thu hút khách hàng. Sau đó Asiasoft đã nhanh chóng phối hợp cùng những nhà cung cấp dịch vụ mạng và dần dần phổ biến ADSL tới người dùng, tạo tiền đề cho các kế hoạch mới của hãng sau này. Với một kết nối internet tốc độ cao, rõ ràng quá trình trải nghiệm game online sẽ trở nên dễ dàng hơn và bản thân người dùng cũng không phải đắn đo quá nhiều mỗi khi tham gia một sản phẩm mới.
Năm 2008, Asiasoft đạt ngưỡng doanh thu 30 triệu USD. Điều đó cho phép họ xây dựng thêm các nhánh mới dưới thương hiệu Asiasoft, bao gồm @Cash, @Cafe, @Service và @Key và sớm bao phủ các quốc gia trong khu vực. Đồng thời hãng còn mua lại Level Up Inc. - một nhà phát hành game tại Philippines để hỗ trợ thêm những dịch vụ mang tính cốt lõi tại đất nước này.
Tương lai của ngành game trực tuyến
Theo Sudjitporn, tương lai của ngành game không chỉ đơn giản là tổ chức một cuộc “di dân” sang thiết bị di động mà còn phải bao gồm rất nhiều thứ. Trong vòng 10 năm qua, người chơi đã quá quen thuộc với màn hình PC hay TV khi chơi trên máy console. Vì thế nó không chỉ là sự thay đổi về thể loại, lối chơi, nội dung game mà sẽ là nền tảng và công nghệ – khiến người chơi cảm thấy rằng tuy màn hình có kích thước nhỏ hơn, nhưng sức hấp dẫn thì lại không hề thua kém, thậm chí còn vượt trội hơn ở một vài khía cạnh khác.
Quá trình này sẽ có phần thuận lợi hơn nhờ sự xuất hiện của các bên thứ ba như iTunes và Google Play, từ đó giúp bạn có một hệ sinh thái hoàn hảo để phát triển. Cùng với đó Asiasoft dường như cũng chẳng mảy may lo lắng về các mối đe dọa từ đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Bản thân Sudjitporn thừa nhận rằng, ông coi Garena là đối thủ đáng gờm nhất, song vị thế của Asiasoft ngày hôm nay sẽ đủ để chống lại những đợt tấn công khác từ bên ngoài. “Chúng tôi sẽ không ngừng mở rộng ra những thể loại khác của dòng game MMO để liên tục mang đến cho người chơi sự lựa chọn mới. Đây chính là cách để chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh của mình”.
Asiasoft sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai
Theo Sudjitporn điều mà Asiasoft quan tâm trong lúc này là tìm hiểu xem điều gì là tốt nhất cho từng thiết bị, từ đó sẽ có kế hoạch cụ thể và phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu từ cộng đồng game thủ. Ông cho rằng việc tồn tại lâu năm trong ngành game cũng giống như một ca sĩ, bạn càng đứng lâu trên sân khấu thì bạn càng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân khán giả. Nếu chỉ quay quẩn ở một vài bài hát hay thể loại nhất định, số lượng fan hâm mộ sẽ ngày càng ít dần đi do bên ngoài kia, thị trường đang luôn đổi thay không ngừng và bản thân người dùng luôn muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ hơn, đặc sắc hơn.
Và trong khi game online trên PC vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược, Asiasoft vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại phân khúc mobile. Hãng hiện đang có từ 5 đến 7 tựa game mobile và bước đầu thu hút được lượng người chơi khá đông đảo. Cũng cần phải nói thêm rằng quá trình ra mắt một tựa game mobile sẽ rất khác so với game trên PC vì những đặc thù riêng ở thể loại này. Nhưng với tầm bao phủ thị trường game Đông Nam Á như hiện tại, đó không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Asiasoft!
Mặc dù thành công lớn với game trên PC và đang tiến từng bước vững chắc ở phân khúc game mobile song Asiasoft vẫn tiếp tục tìm kiếm cho mình những điểm nhấn mới trong tương lai. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tận dụng tất cả những gì có liên quan đến môi trường trực tuyến và internet. Bởi vì khi bạn nói đến thế giới internet, nó sẽ bao quát hơn rất nhiều chứ không phải chỉ có mỗi trò chơi điện tử. Nó có thể là bất cứ thứ gì và Asiasoft sẽ cố gắng nắm bắt điều đó để tiếp tục mang đến cho người dùng một cuộc sống sung túc hơn trong kỷ nguyên số ngày nay” - Ông Sudjitporn tiết lộ.