3 tháng trước Steven Howse vẫn còn phải vật lộn để trả tiền thuê nhà, nhưng giờ đây nhà phát triển 32 tuổi đã đổi đời và chỉ tập trung lo cho "đứa con tinh thần" hoạt động trơn tru, ổn định.
Lối chơi của Slither.io không mới, hay nói cách khác nó chỉ là một phiên bản nâng cấp từ trò "Rắn săn mồi" huyền thoại, từng được cài đặt mặc định trong những chiếc điện thoại... cổ lỗ sĩ ngày xưa. Nhưng điểm độc đáo là Slither.io cho phép người chơi trên khắp thế giới cạnh tranh trực tiếp với nhau (Multiplayer). Chính sự cay cú ăn thua và cách tiếp cận đơn giản đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Hiện Slither.io có 68 triệu lượt tải về, 67 triệu người chơi thường xuyên và mang về cho "cha đẻ" Steven Howse khoảng 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) mỗi ngày.
Gây nghiện, cuốn hút... Slither.io đã giúp cha đẻ của mình đổi đời giống như tựa game Flappy Bird đình đám năm nào. Cũng giống như Nguyễn Hà Đông, Howse cung cấp trò chơi miễn phí và kiếm tiền dựa vào quảng cáo. Người chơi có thể chi 3,99 USD để loại bỏ quảng cáo trong game. Nếu không, những mẫu quảng cáo sẽ xuất hiện sau khi thua cuộc, và mỗi lượt xem sẽ giúp Howse bỏ túi gần 1 xu (0,01 USD). Nhiều người nghĩ 1 xu là quá ít, nhưng với số lần thua trung bình lên đến 460 triệu mỗi ngày, con số nhân lên là rất lớn. Howse từ chối tiết lộ anh đã thu về tổng cộng được bao nhiêu tiền từ trước đến nay, nhưng cho biết con số đó bao gồm "bảy chữ số" (từ 1 đến 9 triệu USD). "Việc này có vẻ giống như xổ số kiến thiết", anh nói "nếu nó không hiệu quả, tôi đã lên kế hoạch để có được một công việc tại siêu thị hay gì đó đại loại thế”.
Sau 3 tháng, Slither.io đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới. 68 triệu lượt tải về trên di động và trung bình 67 triệu người chơi trên trình duyệt mỗi ngày.
Ý tưởng về một trò chơi như "Slither.io" nhen nhóm từ vài năm trước, bắt đầu thành hình khi Howse nhận thấy cơn sốt của cộng đồng đối với Agar.io, một trò chơi trực tuyến cực đơn giản cho phép nhiều người chơi cùng lúc. Trong giai đoạn ấp ủ ý tưởng đó, các rắc rối liên quan đến vấn đề tài chính buộc ông phải rời khỏi Minneapolis (Mỹ) và chuyển đến Michigan. Tuy nhiên, thời điểm Slither.io ra đời cách đây 3 tháng đã thay đổi tất cả. Không còn phải vật lộn để trả tiền thuê nhà hàng tháng, lúc này điều quan tâm duy nhất của nhà phát triển 32 tuổi là giữ cho "đứa con tinh thần" của mình hoạt động trơn tru, ổn định.
Điều bất ngờ là Howse tự học lập trình, viết phần mềm và tìm cách xử lý những rắc rối phát sinh. Anh cố giữ sự ổn định của trò chơi trong tình trạng bối rối: "Khi server quá tải, tất cả người chơi đôi khi bị đá văng ra ngoài". Có đến 500 người có thể chơi cùng một lúc. Tạo ra một trò chơi dựa trên mức độ tương tác của cộng đồng là việc "khá kỳ công", Sartori Bernbeck, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu EEDAR, nhận định: "Đó là một siêu tham vọng".
Tự học lập trình, Steven Howse đã đổi đời nhờ kiên trì với ý tưởng.
Không phải chi một xu cho quảng cáo, bởi những tài khoản YouTube nổi tiếng tự đăng tải màn chơi của họ lên cho mọi người theo dõi. Cũng giống như hiện tượng Gangnam Style bùng nổ trên khắp thế giới bắt đầu từ việc chia sẻ qua mạng xã hội. Tuy nhiên Howse phải dành nhiều công sức và tiền bạc để tìm kiếm không gian máy chủ tại những khu vực có nhu cầu chơi tăng đột biến. Anh cho biết mình đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách tránh sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của Amazon hoặc Alphabet. "Chi phí là cực kỳ tốn kém bởi số lượng lớn đường truyền mà trò chơi này sử dụng", Howse cho biết. Anh trả khoảng 15.000 USD hàng tháng cho Apple và Google, trong đó bao gồm tiền dịch vụ hosting online và cả một phần tiền thu được từ ứng dụng.
Tuy nhiên kỹ thuật không phải là vấn đề duy nhất là Howse phải đối mặt lúc này. Làm mới trò chơi, giữ người dùng luôn có được sự vui vẻ mỗi khi vào Slither.io mới là thách thức thực sự. Nhiều người cảm thấy hết động lực khi đã đứng đầu bảng xếp hạng, hoặc đôi khi chết quá nhiều cũng làm họ nản chí. Để giải quyết, Howse mới đây đã bổ sung trình điều khiển mới, chế độ chơi đơn, và hướng đến việc thêm chế độ chơi theo đội. Giống như bất kỳ nhà phát triển trò chơi trên điện thoại di động nào khác, Howse thừa hiểu sẽ đến lúc "con gà đẻ trứng vàng" của mình kết thúc thời hoàng kim.
Flappy Bird bị chính cha đẻ Nguyễn Hà Đông khai tử vì quá nhiều áp lực.
Howse chia sẻ, anh đang suy tính đến chuyện bán Slither.io trong tương lai, sau khi nhận được lời đề nghị từ hai công ty game lớn và một hãng đầu tư mạo hiểm. Anh thừa nhận mình phải trải qua những giai đoạn căng thẳng, tuy nhiên "đó là vấn đề mà hầu hết mọi người đều sẽ ghen tị để có được” - Howse nói.
Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông cũng từng thu về khoảng 50.000 USD/ngày (tương đương 1 tỷ đồng) và khiến anh phải chịu nhiều áp lực. Sau một thời gian ngắn ồn ào, Hà Đông đã quyết định khai tử "Chú chim mặt ngố" như một sự giải thoát. Điều này đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều, đa phần tiếc nuối cho sự thành công "sớm nở tối tàn" của một tài năng Việt Nam